Tham dự Hội nghị còn có khoảng 40 đại biểu là các nghị sĩ thành viên Ban Chấp hành APF, Đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và một số tổ chức quốc tế. Chủ tịch Quốc hội Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) - Chủ tịch APF Amadou Soumahoro và Tổng Thư ký nghị viện - Nghị sĩ Pháp Jacques Krabal chủ trì Hội nghị.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo của Tổng Thư ký Nghị viện về hoạt động của tổ chức và các biện pháp ứng phó trước diễn biến phức tạp của Đại dịch Covid-19; Thảo luận về định hướng chung và chương trình hoạt động năm 2021, các chương trình hợp tác đa phương liên nghị viện; thông qua Báo cáo kết quả hoạt động của 4 Ủy ban thường trực (Chính trị; Công tác Nghị viện; hợp tác và phát triển; giáo dục, truyền thông, văn hóa), báo cáo của Mạng lưới Nữ nghị sĩ và Mạng lưới Nghị sĩ trẻ; các báo cáo Vùng (châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi); xem xét tình hình chính trị trong không gian Pháp ngữ, phê chuẩn các Thỏa thuận hợp tác, các hình thức khen thưởng… chuẩn bị đệ trình Đại hội đồng lần thứ 46 theo hình thức trực tuyến ngày 28-29/01/2021.
Phân ban Việt Nam tham dự Hội nghị.
Ban Chấp hành thảo luận về các biện pháp hỗ trợ của APF đối với các Phân ban thành viên đang trong giai đoạn khủng hoảng và chính trị (Mali, Côte d’Ivoire, Burkina Faso, Bénin…) và sự ủng hộ đối với Phân ban Liban sau sự cố vụ nổ kép tại cảng Beyrouth. Ban Chấp hành đồng thuận tiếp tục triển khai Khung Chiến lược APF giai đoạn 2019-2022, trong đó tập trung vào bốn vấn đề ưu tiên theo Chương trình hành động của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) gồm: Chống khủng bố và bạo lực cực đoan; Phát triển và tăng trưởng bao trùm; Phát triển của các chính sách công về giáo dục và giảng dạy tiếng Pháp trong dự đa dạng ngôn ngữ của Cộng đồng Pháp ngữ; Thông qua và triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Phân ban Việt Nam tham dự Hội nghị với tư cách Phó Chủ tịch APF nhiệm kỳ 2019-2021.
Chủ trương tham gia của Phân ban Việt Nam
Được sự đồng ý của của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phân ban Việt Nam tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến và linh hoạt. Theo đó, đối với các hoạt động trọng tâm gồm Hội nghị Ban Chấp hành ngày 25/1/2021 và các phiên họp toàn thể Đại hội đồng ngày 28 và 29/1/2021.
Đối với các hội nghị khác: Thường trực Ủy ban Đối ngoại sẽ trao đổi với một số các đại biểu Quốc hội biết tiếng Pháp đã có kinh nghiệm tham dự các kỳ Đại hội đồng trước đây, tùy điều kiện công việc, tham dự trực tuyến bằng kết nối từ máy tính cá nhân thông qua tài khoản do Ban Tổng thư ký APF cung cấp. Cán bộ phụ trách diễn đàn/Thư ký Phân ban thông tin, kết nối phục vụ việc tham gia của các đại biểu Quốc hội, theo dõi nội dung các hoạt động và báo cáo Thường trực Ủy ban Đối ngoại và Chủ tịch Phân ban.
Tham gia thảo luận tại Phiên toàn thể Đại hội đồng “Nghị viện các nước pháp ngữ ứng phó tác động của cuộc khủng hoảng Đại dịch Covid-19, triển vọng cho tương lai ”, tập trung nhấn mạnh thành công của Quốc hội trong năm 2020 thông qua việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép: kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế; thực hiện các biện pháp ứng phó trước tác động tiêu cực của Đại dịch Covid-19, duy trì các hoạt động thường xuyên của Quốc hội, tổ chức các kỳ họp Quốc hội bằng hình thức trực tuyến và tập trung, thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và tổ chức Đại hội đồng AIPA-41 trực tuyến, hỗ trợ nghị viện các nước trong phòng chống dịch thông qua việc tặng khẩu trang y tế; một số kiến nghị để củng cố hoạt động của APF trong bối cảnh đại dịch. Thời lượng bài phát biểu là 03 phút.
Theo yêu cầu của Chủ tịch Vùng châu Á - Thái Bình Dương, Phân ban có báo cáo khái quát về tình hình và hoạt động của Phân ban năm 2020 cung cấp để xây dựng báo cáo của Vùng theo nội dung nghị sự của Hội nghị Ban Chấp hành và Đại hội đồng. Đại hội đồng APF diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua những biến động lớn do tác động nhiều mặt của đại dịch COVID-19 với nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Đại hội đồng APF-46 được dự kiến tổ chức vào tháng 7/2020 tại Rabat, Maroc đã hoãn tới cuối tháng 1/2021 và quyết định tổ chức theo hình thức trực tuyến. Trong năm 2020, APF vẫn nỗ lực duy trì hoạt động thông qua các hội nghị trực tuyến, cử đại diện tới các điểm nóng xung đột (Mali, Burkina Faso, Liban) và quan sát viên tới các cuộc bầu cử tại nhiều nước Châu Phi đang có khủng hoảng chính trị; góp phần thực hiện các mục tiêu của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, thúc đẩy ngoại giao đa phương, ngoại giao nghị viện quốc tế góp phần vào củng cố nền hòa bình, phát triển và thúc đẩy hợp tác liên nghị viện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó Chủ tịch Phân ban Việt Nam Vũ Hải Hà.
Đại hội đồng APF-46 được duy trì đầy đủ hội nghị của các cơ chế: Mạng lưới nữ nghị sĩ (ngày 19/01/2021), Mạng lưới nghị sĩ trẻ (ngày 21/01/2021), Ban Chấp hành (ngày 25/01/2021), Ủy ban Chính trị (ngày 26/01/2021), Ủy ban hợp tác và phát triển (ngày 26/01/2021), Ủy ban các vấn đề nghị viện (ngày 27/01/2021), Ủy ban giáo dục, truyền thông và văn hóa (ngày 27/01/2021), các phiên toàn thể Đại hội đồng (ngày 28 và 29/01/2021) xem xét báo cáo hoạt động của tổ chức, chất vấn Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, thảo luận chủ đề chung về “Nghị viện các nước pháp ngữ trước tác động của cuộc khủng hoảng Đại dịch Covid-19 và triển vọng cho tương lai”. Chương trình nghị sự của các hoạt động cơ bản được rút gọn để phù hợp với tình hình thực tế.
Phân ban Việt Nam tham dự Đại hội đồng APF lần thứ 46 nhằm: Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XII của Đảng, thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, chủ động và tích cực đóng góp định hình các thể chế đa phương. Khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Quốc hội Việt Nam trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ
Quốc hội Việt Nam là quan sát viên của Hiệp hội quốc tế các nghị sĩ sử dụng tiếng Pháp (AIPLF) từ năm 1974 và là thành viên chính thức APF năm 1991. Trong bối cảnh Việt Nam vừa tiến hành công cuộc đổi mới, việc gia nhập AIPLF đã tạo điều kiện mở rộng hoạt động quốc tế tại Cộng đồng Pháp ngữ mà thành viên gồm cả những quốc gia phát triển (Pháp, Canada, Bỉ, Luxembourg, Thụy Sỹ...) và các quốc gia đang phát triển khu vực châu Phi, châu Á.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Năm 1996, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành AIPLF (Ban Chấp hành là cơ quan đại diện cao nhất của tổ chức gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Chủ tịch các Ủy ban, các thành viên được bầu), là hội nghị liên nghị viện quốc tế đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ năm 1997.
Với vai trò quan trọng và là thành viên tích cực của APF, Quốc hội Việt Nam liên tục được các Phân ban thành viên APF tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch của tổ chức. Kể từ năm 2015, theo đề xuất của ta để tránh Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch APF quá lâu, Vùng đã thực hiện cơ chế luân phiên các vị trí chủ chốt. Theo đó nhiệm kỳ 2015-2017, Việt Nam là Chủ tịch Vùng châu Á – Thái Bình Dương trong APF; nhiệm kỳ 2017-2019, Việt Nam là thành viên Hội đồng Điều hành mạng lưới nữ nghị sĩ APF; nhiệm kỳ 2019-2021, Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch APF.
Trong những năm gần đây, nhiều hoạt động quan trọng của APF đã được tổ chức ở Việt Nam như các Hội nghị cấp Ủy ban của APF và các hội thảo chuyên đề như Hội nghị Ủy ban về các vấn đề nghị viện (3/2017), Hội nghị lần thứ 7 Vùng châu Á - Thái bình Dương trong APF (12/2015)... APF cũng đã dành cho Quốc hội Việt Nam dự án nhằm tăng cường ngôn ngữ tiếng Pháp tại quốc gia thành viên thông qua việc tổ chức khóa đào tạo tiếng Pháp, cung cấp phần mềm biên phiên dịch, một số khóa thực tập cho cán bộ nghị viện (Dự án NORIA). APF đánh giá cao hoạt động của Việt Nam, khẳng định thông qua Việt Nam, APF có thể đẩy mạnh hoạt động của APF, tăng cường sự hiện diện của APF và tầm ảnh hưởng của khối Pháp ngữ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 2/2019, Quốc hội Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị của Ủy ban Giáo dục, Truyền thông, Văn hóa (CECAC) và Mạng lưới Nữ nghị sĩ (RF) trong APF./.