ASEP-11: TĂNG CƯỜNG SỰ CHỦ ĐỘNG THAM GIA CỦA NGHỊ VIỆN CÁC NƯỚC VÌ HÒA BÌNH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

16/11/2021

Trong khuôn khổ Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ 11 (ASEP-11), chiều 16/11, tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự Phiên thảo luận trực tuyến chuyên đề 1 với chủ đề ''Tăng cường sự chủ động tham gia của Nghị viện các nước vì hòa bình và Phát triển bền vững''.

 

Toàn cảnh Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên thảo luận trực tuyến chuyên đề 1 với chủ đề “Tăng cường sự chủ động tham gia của Nghị viện các nước vì hòa bình và Phát triển bền vững”

Hội nghị ASEP-11 với chủ đề “Tăng cường hợp tác nghị viện vì Hòa bình và Phát triển bền vững trong và sau đại dịch Covid-19” là hoạt động ngoại giao nghị viện đầu tiên trong khuôn khổ hợp tác liên khu vực Á - Âu được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia sau 1 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Ngay sau Lễ Khai mạc Hội nghị ASEP-11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chuyên đề 1 với chủ đề “Tăng cường sự chủ động tham gia của Nghị viện các nước vì hòa bình và Phát triển bền vững”. Tham dự Phiên họp từ điểm cầu Nhà Quốc hội (Hà Nội) còn có Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; đại diện các Vụ thuộc Văn phòng Quốc hội: Đối ngoại; Quốc phòng - An ninh; Pháp luật.

Tiến sĩ Pen Siman, Chủ nhiệm Ủy ban về Điều tra và Chống tham nhũng của Quốc hội Campuchia chủ trì Phiên thảo luận.

Tại phiên họp trực tuyến, các đại biểu tập trung thảo luận và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò chủ động của nghị viện vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận chuyên đề 1

Đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận chuyên đề 1, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong nêu rõ, thế giới hiện trải qua nhiều biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó đoán định, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, biển đảo, chạy đua vũ trang; cùng với các nguy cơ an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước và dịch bệnh... đang trở nên ngày càng gay gắt và phức tạp hơn. Bối cảnh trên đòi hỏi sự phối hợp ở nhiều cấp độ, trong đó có sự tham gia của các thể chế đa phương, đặc biệt là sự hợp tác giữa các nghị viện Á - Âu, không chỉ trên lời nói mà cần bằng những hành động cụ thể.

Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong đánh giá cao chủ đề của phiên thảo luận chuyên để lần này, nêu cao sự chủ động, quyết tâm và hành động của nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khẳng định, Việt Nam luôn kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đề cao chủ nghĩa đa phương, pháp quyền và các nguyên tắc chung trong quan hệ quốc tế; quan tâm sâu sắc đến việc giữ gìn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; tuân thủ các điều ước quốc tế có giá trị phổ quát như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, kiên trì nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao vai trò, tiếng nói và hành động của các nghị viện trong việc góp phần đảm bảo hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Quốc hội Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại, trao đổi và đồng hành cùng Nghị viện các nước thành viên ASEP để nâng tầm hợp tác của Diễn đàn, chung tay xây dựng quan hệ đối tác nghị viện Á - Âu ngày càng năng động, gắn kết vì sự phát triển, thịnh vượng chung của hai châu lục. Trong những năm qua, trên nền tảng hợp tác ASEM, ASEP, quan hệ song phương giữa Việt Nam và các thành viên của diễn đàn cũng ngày càng được đẩy mạnh và nâng tầm. Các thành viên ASEM hiện chiếm 23 trong số 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam; đóng góp khoảng 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 70% giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các Hiệp định mới được ký kết như Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực đánh dấu những mốc phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác châu Âu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong tin tưởng một ASEP ngày càng gắn kết bởi các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các thỏa thuận, hiệp định thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên sẽ là nền tảng vững chắc góp phần gắn kết, củng cố hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Phiên thảo luận chuyên đề được tổ chức theo hình thức trực tuyến 

Để tăng cường vai trò chủ động của nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong đã đưa ra một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, các nghị sĩ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc ứng xử chung nhằm duy trì hoà bình, an ninh, ngăn ngừa xung đột, bảo đảm ổn định và thịnh vượng ở hai khu vực; thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện, năng động vì sự phát triển mạnh mẽ, cân bằng, bền vững, bao trùm và sáng tạo.

Thứ hai, tăng cường đối thoại nghị viện Á - Âu góp phần chia sẻ thông tin để sự hiểu biết, xây dựng lòng tin cùng tìm ra biện pháp đối với các thách thức toàn cầu cấp bách hiện nay; thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng; hỗ trợ hợp tác ASEM triển khai đồng bộ ba trụ cột hợp tác chính trị - an ninh; kinh tế - tài chính; xã hội - văn hóa và các lĩnh vực khác.

Thứ ba, nghị viện các nước tiếp tục thúc đẩy phê chuẩn, tham gia thực hiện các điều ước, thỏa thuận đa phương; xây dựng, sửa đổi bổ sung và nội luật hóa phù hợp với các điều ước quốc tế đã tham gia, tăng cường giám sát việc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận quan trọng đã đạt được qua thương lượng đa phương.

Trong giai đoạn hội nhập toàn cầu sâu rộng như hiện nay, với tầm nhìn và khát vọng phát triển mới, cùng với sự chủ động và quyết tâm hành động của các nghị viện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong tin tưởng rằng nghị viện các quốc gia châu Á và châu Âu sẽ sớm cùng nhau tìm ra các biện pháp để giải quyết được các thách thức hiện nay, thúc đẩy hòa bình và phát triển chung của cả hai khu vực và trên toàn thế giới.

ASEP là cơ chế hợp tác liên nghị viện được tổ chức 2 năm một lần, luân phiên giữa hai châu lục, là diễn đàn để các nghị sĩ thảo luận, trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nghị sĩ, chính giới và nhân dân các quốc gia châu Á và châu Âu, đồng thời tạo sự gắn kết giữa nghị viện các nước thành viên.

Việc tham dự Hội nghị ASEP-11 là hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng trong tổng thể chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm của Quốc hội nước ta; khẳng định vai trò của Quốc hội trong các hoạt động ngoại giao nghị viện khu vực và thế giới, tham gia giải quyết các vấn đề và thách thức toàn cầu; thúc đẩy đoàn kết, thống nhất trong nỗ lực chung để ASEP thực sự trở thành cơ chế song hành với Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM)./.

Bích Ngọc - Minh Thành

Các bài viết khác