Sáng 14/12, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự Lễ khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-29) với chủ đề ''Vai trò của nghị viện trong việc tăng cường khả năng phục hồi thời kỳ hậu COVID-19'' do Quốc hội Hàn Quốc đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Lễ khai mạc Hội nghị APPF-29 từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Hà Nội
Tham dự Hội nghị APPF-29 có 150 đại biểu đến từ 23 nghị viện thành viên, khách mời và quan sát viên. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị và đã có hai bài phát biểu trực tuyến ghi hình tại Phiên toàn thể 1 về Chính trị và An ninh với chủ đề “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực”; tại Phiên toàn thể 2 về Kinh tế và Thương mại với chủ đề “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số trong khu vực”. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự từ điểm cầu Nhà Quốc hội có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung.
Nhân dịp này, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà xoay quanh bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại Hội nghị này.
Phóng viên: Tại Hội nghị APPF-29 do Quốc hội Hàn Quốc chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch Quốc hội đã có hai bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể 1 và Phiên toàn thể 2, trong đó khẳng định Nghị viện đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các giải pháp phục hồi trong và sau đại dịch. Đại biểu có thể phân tích rõ hơn hai bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội và những đóng góp, kiến nghị của Đoàn Việt Nam tại các Phiên họp này?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà: Trước khi trả lời câu hỏi, tôi xin phép được nêu lại bối cảnh và ý nghĩa của Hội nghị liên quan đến hai phát biểu này.
Trước hết, Hội nghị APPF lần này với chủ đề “Vai trò của nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường trong thời kỳ hậu COVID-19” nhằm khẳng định vai trò ngoại giao nghị viện và sự ủng hộ của các nghị viện đối với chủ nghĩa đa phương; quyết tâm của các nghị viện thành viên APPF trong đó có Quốc hội Việt Nam hành động mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp cho tương lai phát triển của APPF, hiện thực hóa Tầm nhìn vì tương lai chung của một cộng đồng hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, xây dựng lại một tương lai tốt đẹp hơn sau đại dịch COVID-19. Hội nghị cũng nêu bật cam kết mạnh mẽ của Quốc hội Hàn Quốc với ngoại giao nghị viện đa phương, củng cố niềm tin của người dân đối với chính sách và vai trò của Hàn Quốc, bước sang giai đoạn mới, phục hồi sau đại dịch. Vì vậy, những nội dung nghị sự của Hội nghị đều mang tính thời sự cao, thu hút sự tham gia đông đảo các thành viên APPF.
Thứ hai, việc lựa chọn phát biểu tập trung tại Phiên toàn thể 1 về các vấn đề Chính trị và An ninh và Phiên toàn thể 2 về Kinh tế và Thương mại đã khắc họa tư tưởng, hành động xuyên suốt của công tác đối ngoại nhà nước, đó là đối ngoại vì một môi trường chính trị quốc tế hòa bình và an ninh và sự ổn định, hòa bình tiếp tục trở thành nền tảng, điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế, thương mại.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà
Thứ ba, Đoàn Đại biểu cấp cao của Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu tham dự Hội nghị APPF-29 trực tuyến có ý nghĩa chính trị quan trọng vì đây là Hội nghị nghị viện đa phương châu lục đầu tiên được tổ chức trực tiếp trong đại dịch COVID-19, mang đến thông điệp và hình ảnh về đất nước Việt Nam đoàn kết, kiên cường trong dịch bệnh, khát vọng vươn lên; tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; phát huy vai trò của ngoại giao nghị viện, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Quốc hội Việt Nam trong ngoại giao nghị viện khu vực; về Quốc hội Việt Nam hành động, đổi mới, chủ động và trách nhiệm, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tới năm 2030” của APPF. Hơn nữa, việc tham dự Hội nghị APPF-29 trực tiếp khẳng định quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thúc đẩy ngoại giao vắc xin, hợp tác quốc tế nhằm hướng tới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong nước, vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Chính vì lẽ đó, bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại hai phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị cho thấy tầm nhìn chiến lược, sự cần thiết thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của nghị viện và của APPF trong phục hồi sau COVID-19. Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định Nghị viện đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các giải pháp phục hồi trong và sau đại dịch.
Thứ tư, hai bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ở ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, nước chủ nhà Hội nghị APPF 29, được nhìn nhận như một phát biểu có tính chất dẫn đề, mang tính bao trùm, không chỉ thể hiện quan điểm của Quốc hội Việt Nam mà còn đề xuất các giải pháp toàn diện nhằm tăng cường vai trò của Nghị viện nói chung và APPF nói riêng. Những phân tích, nhận định và đề xuất của Chủ tịch Quốc hội mang tính xây dựng, cởi mở, hữu nghị, hợp tác.
Về các vấn đề Chính trị và An ninh, Chủ tịch Quốc hội đã nêu ra những thách thức đối với nền hòa bình và an ninh quốc tế và khu vực, khẳng định chủ trương đường lối đối ngoại của Việt Nam và đề ra 6 sáng kiến nhằm tăng cường hành động nghị viện, giám sát thực thi chính sách, nâng cao hợp tác đa phương ngăn ngừa xung đột, ủng hộ ngoại giao phòng ngừa, xây dựng lòng tin trong quan hệ quốc tế. Về chủ đề Kinh tế và Thương mại, phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kêu gọi sự ủng hộ và hành động của các Nghị viện thành viên APPF trên các chức năng lập pháp, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế quốc gia; giám sát thực hiện, quyết định chính sách mới, và ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau chuyển đổi thể chế, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, công nghệ số và nhiều hoạt động khác. Các phát biểu của Chủ tịch Quốc hội đã để lại ấn tượng sâu đậm trong các đại biểu dự Hội nghị.
Phóng viên: Trong bài phát biểu tại Phiên toàn thể 1 về các vấn đề Chính trị - An ninh, Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra 6 kiến nghị về vai trò của Nghị viện thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực. Đại biểu đánh giá thế nào về những kiến nghị này của Đoàn Việt Nam và đại biểu quan tâm đến kiến nghị nào nhất?
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu trực tuyến ghi hình tại Phiên toàn thể 1 về các vấn đề Chính trị và An ninh
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà: Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu 6 kiến nghị về vai trò Nghị viện trong thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực. Khó có thể so sánh nội dung nào quan trọng hơn bởi đây là những kiến nghị mang tính khái quát cao, toàn diện và bao trùm vì các vấn đề đều liên kết chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, xét từ góc độ đại biểu Quốc hội, với phương châm thúc đẩy ngoại giao nghị viện, tôi rất tâm đắc về ý tưởng đề xuất tăng cường ngoại giao nghị viện đa phương, tăng cường hành động nghị viện thông qua chức năng của Quốc hội nhằm ngăn ngừa các nguy cơ xung đột, tìm kiếm các giải pháp vì hòa bình, an ninh, góp phần hiện thực hóa những Kế hoạch, Tầm nhìn của APEC vì một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường, hòa bình, vì sự thịnh vượng của mọi người dân và các thế hệ tương lai.
Trong phát biểu, Chủ tịch Quốc hội cũng đề cao pháp quyền, nhấn mạnh sự ổn định chính trị, an ninh là nền tảng quan trọng để vượt qua những khó khăn do đại dịch, đoàn kết hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982 là nền tảng cho phát triển bền vững ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới. Đặc biệt, thông điệp mà Chủ tịch Quốc hội truyền tải qua tất cả các kiến nghị, đó là “Thúc đẩy hợp tác lấy người dân làm trung tâm, hướng tới người dân”. Đây cũng là kiến nghị mà tôi đặc biệt quan tâm. Cách tiếp cận này thể hiện tính nhân văn trong đường lối phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta.
Phóng viên: Trong bài phát biểu tại Phiên toàn thể 2 về các vấn đề Kinh tế và Thương mại, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số trong khu vực; trong đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các nước thành viên APPF tăng cường trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau thu hẹp khoảng cách phát triển trong đó có khoảng cách số giữa các quốc gia và giữa các vùng trong quốc gia; khuyến khích các Nghị viện thành viên APPF tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và giám sát trong lĩnh vực thương mại điện tử… Quan điểm của đại biểu về những kiến nghị này như thế nào?
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu trực tuyến ghi hình tại Phiên họp toàn thể 2 về các vấn đề Kinh tế và Thương mại
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà: Trước hết, những kiến nghị này bám sát với chủ đề nghị sự của Hội nghị và các phiên toàn thể. Những kiến nghị này cũng phù hợp với sáng kiến và những đóng góp Nghị quyết mà Quốc hội Việt Nam tham gia đồng bảo trợ tại Hội nghị lần này. Đây là những đề xuất có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với nhu cầu của APEC và các nền kinh tế thành viên. Kinh tế số, thu hẹp khoảng cách số, thương mại điện tử và các vấn đề về hạ tầng số là những nội dung quan trọng hàng đầu hiện nay tại Việt Nam và nhiều nước trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid 19. Sự tham gia của các Nghị viện nhằm bảo đảm thúc đẩy hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tạo nguồn lực để đạt được chuyển đổi số toàn diện như kỳ vọng của các nền kinh tế APEC đặt ra trong Tầm nhìn tới năm 2040.
Phóng viên: Hội nghị APPF-29 là hội nghị thường niên trực tuyến đầu tiên của Diễn đàn, được tổ chức sau gần hai năm kể từ lần họp gần nhất vào tháng 01/2020. Sự tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm cùng với những đề xuất, kiến nghị của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Hội nghị này có ý nghĩa như thế nào, thưa đại biểu?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà: Quốc hội nước ta tham dự Diễn đàn APPF-29 nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của Quốc hội Việt Nam tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, qua đó, phát huy hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực quan trọng như APPF; thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện trên toàn cầu; góp phần vào những nỗ lực ngoại giao chung của Đảng, Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, việc tham dự Hội nghị APPF-29 thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam đối với Quốc hội Hàn Quốc, một đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam trong khu vực; tăng cường quan hệ và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nghị viện các nước đối với các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của ta.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị APPF-29 từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Hà Nội
Sự tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm cùng những đề xuất, kiến nghị của Đoàn Việt Nam được thể hiện trên một số phương diện sau:
Thứ nhất, Trưởng đoàn tham dự là cấp Chủ tịch Quốc hội, phát biểu tại 2 phiên toàn thể quan trọng.
Thứ hai, Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực và trách nhiệm tại các phiên họp về văn kiện của Hội nghị: kéo dài 9 ngày, thảo luận 13 dự thảo Nghị quyết về các lĩnh vực; đóng góp những nội dung thiết thực đối với các Nghị quyết về hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển bền vững và vai trò của các nghị sỹ, nâng cao bình đẳng giới, trách nhiệm giới và nhạy cảm giới trong các hoạt động của nghị viện.
Đoàn Việt Nam đã đề xuất 02 sáng kiến về “Vai trò của phụ nữ trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và phục hồi sau đại dịch COVID-19” và “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số”. Hai sáng kiến này của Việt Nam đã được đưa vào 04 dự thảo Nghị quyết như sau:
(1) Nghị quyết về thúc đẩy kinh tế số và tăng cường kết nối (Hàn Quốc, Canada, Indonesia, Philippines và Việt Nam đồng bảo trợ): Những đề xuất của Việt Nam đều được ghi nhận và đưa vào nghị quyết bao gồm: nâng cao vai trò và hoạt động để phát triển kinh tế số, tập trung phát triển hệ sinh thái số, thúc đẩy thương mại điện tử; chia sẻ kinh nghiệm thí điểm kỹ thuật áp dụng công nghệ tài chính; đề nghị các nước phát triển hỗ trợ kỹ thuật, tài chính đối với các nước kém phát triển hơn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi sang kinh tế số; bảo đảm an toàn trong thông tin, dữ liệu thương mại điện tử.
(2) Nghị quyết về tăng cường hội nhập kinh tế và thuận lợi hóa thương mại (Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và Việt Nam đồng bảo trợ): Tại Nghị quyết này, Việt Nam cũng đề xuất các Nghị viện thành viên tạo môi trường thể chế thuận lợi cho hội nhập kinh tế, phục hồi các cơ chế hợp tác khu vực, thúc đẩy thương mại tự do đa phương trong bối cảnh mới, phục hồi sau đại dịch COVID-19; đề nghị các nghị viện thành viên phát triển thị trường mở, không phân biệt đối xử, tôn trọng quyền lợi của mọi nền kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, giám sát để trao đổi thực tiễn và kinh nghiệm tốt hợp tác và phát triển kinh tế bền vững.
(3) Nghị quyết về thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ (Hàn Quốc, Canada, Indonesia, Liên bang Nga và Việt Nam đồng bảo trợ): Trong đó, những ý kiến đóng góp của Việt Nam như ghi nhận vai trò của phụ nữ, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; đề nghị tăng cường thực hiện SDG 5 về bình đẳng giới, hành động nghị viện ưu tiên các chính sách và chiến lược có trách nhiệm giới ở các cấp độ.
(4) Nghị quyết về thúc đẩy ứng phó COVID-19 bảo đảm yếu tố giới và phục hồi sau đại dịch (Hàn Quốc, Canada, Indonesia, Liên bang Nga, Australia và Việt Nam đồng bảo trợ): Việt Nam đã đề xuất bổ sung thúc đẩy hành động bảo đảm sự phát triển toàn diện, an toàn của phụ nữ, trẻ em trong và sau đại dịch, thúc đẩy phụ nữ tham gia và hưởng lợi từ quá trình phục hồi; đề nghị các nước chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao khuôn khổ pháp lý giải quyết các vấn đề mà đại dịch ảnh hưởng tới phụ nữ, tăng cường sự đại diện của phụ nữ trong các cơ chế quyết định, nhất là kế hoạch phục hồi COVID-19, giám sát thực thi cũng như kêu gọi hành động và phân bổ công bằng vắc-xin để trẻ em và phụ nữ có quyền tiếp cận bình đẳng đối với vắc-xin an toàn.
Ngoài ra, các đại biểu Việt Nam cũng đã trao đổi, góp ý vào những dự thảo nghị quyết khác với phương châm bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc, hài hòa với lợi ích chung của APPF. Sự tham gia của Đoàn Việt Nam trong thảo luận các văn kiện cũng như phát biểu tại các phiên toàn thể được Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao.
Thứ ba, tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành APPF cũng đã nhất trí đề cử Quốc hội Việt Nam tham gia Ban Chấp hành APPF trong nhiệm kỳ mới 04 năm, bắt đầu từ APPF-30 đến hết Hội nghị APPF-33. Điều này cho thấy sự tín nhiệm cao của các Nghị viện thành viên đối với Quốc hội Việt Nam.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.