VIỆT NAM TÍCH CỰC THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẠI HỘI ĐỒNG AIPA 42

07/06/2022

Tại Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA lần thứ 13, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà nhấn mạnh: Việt Nam tích cực thực hiện các Nghị quyết của Đại hội đồng AIPA 42 thông qua việc khuyến khích thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, công nghệ thông tin, chuyển giao công nghệ và quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp...

Sáng ngày 07/6, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA lần thứ 13 (AIPA Caucus 13) do Thái Lan đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tham dự Hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn và các Ủy viên của Ủy ban Đối ngoại; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hoàng Hải cùng một số cán bộ của Văn phòng Quốc hội.


Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị AIPA Caucus 13 được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Thái Lan.

Hội nghị AIPA Caucus 13 tập trung thảo luận về các chủ đề: Hợp tác về kinh tế số trong ASEAN sau đại dịch Covid-19; Tình hình thực hiện các Nghị quyết của Đại hội đồng AIPA 42. Các nước tham dự Hội nghị đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác, phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế số sau đại dịch Covid-19.

Tại Hội nghị, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà nhấn mạnh: Tất cả các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 42 đã được chuyển đến các cơ quan hữu quan của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để xem xét, thực hiện. Các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan của Chính phủ nghiên cứu, đề xuất các dự án luật, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành luật mới nhằm luật hóa các nội dung được đề cập trong các Nghị quyết; phối hợp triển khai các chương trình hợp tác với ASEAN trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội…

Đề cập tình hình thực hiện các Nghị quyết của Đại hội đồng AIPA 42, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà khẳng định, Nghị quyết Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN được Đại hội đồng AIPA-42 thông qua là cơ sở quan trọng để các nước nỗ lực, cố gắng hoàn thành hành lang pháp lý của chính quốc gia mình; đồng thời có sự tương thích, thống nhất với luật pháp chung của AIPA về vấn đề an ninh mạng. Quốc hội Việt Nam đã tích cực nâng cao nhận thức của người dân về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu; khuyến khích áp dụng công nghệ mới, tiên tiến liên quan đến an ninh mạng.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà phát biểu tại Hội nghị.

Về thực hiện Nghị quyết “Thúc đẩy kỹ thuật số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà cho biết, Quốc hội Việt Nam đã ban hành mới và sửa đổi nhiều luật trong lĩnh vực kinh tế số như: Luật Giao dịch điện tử; Luật Công nghệ thông tin; Luật Viễn thông; Luật An ninh mạng; Luật Doanh nghiệp; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Chuyển giao công nghệ… nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn cho mọi doanh nghiệp. Quốc hội cũng khuyến khích thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, công nghệ thông tin, chuyển giao công nghệ và quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với hoạt động của các mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới;  Nghị quyết tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 nhằm triển khai hiệu quả, toàn diện Đề án quốc gia chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội cũng đã ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng chuyển đổi số.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang đẩy nhanh thực hiện một số chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đến phát triển kinh tế số để phục vụ sự phát triển kinh tế của đất nước và đời sống Nhân dân ngày càng hiệu quả hơn./.

Bích Lan