Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao quá trình đám phán, ký kế của Hiệp định EVFTA và EVIPA cũng như việc Việt Nam gia nhập Công ước số 105 của ILO.
Các đại biểu khẳng định, với tính chất bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, Hiệp định EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để cùng phát triển. Việc hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVFTA, hiệp định có mức cam kết cao nhất mà một đối tác đã dành cho Việt Nam, là bước triển khai quan trọng chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần đưa hội nhập kinh tế quốc tế đi vào giai đoạn mới, sâu rộng và toàn diện. Hiệp định EVFTA giúp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác lớn, nhất là EU, đồng thời thúc đẩy đổi mới, cải cách thể chế kinh tế - thương mại trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Các đại biểu thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) và gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức tại phiên họp thứ 44...
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Thường trực Ủy ban Đối ngoại tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) và gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu khai mạc phiên họp
Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung trình bày tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) và việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, EVIPA và gia nhập Công ước 105 của ILO.
Các đại biểu cũng cho rằng vấn đề Anh rời khỏi EU và tác động của Brexit với EVFTA, kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện EVFTA, EVIPA sau khi được phê chuẩn cũng cần được nghiên cứu, quy định rõ ràng hơn.
Cho ý kiến về Hiệp định EVFTA và EVIPA, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những tác động đa chiều của hai hiệp định không chỉ đến kinh tế, mà còn đến đời sống xã hội, văn hóa của Việt Nam, đặc biệt cần xem xét ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến hai Hiệp định này. Các đại biểu kiến nghị cần rà soát, thống kê các quy định pháp luật cần sửa đổi để đảm bảo các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do, trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó cần làm rõ các quy định nào có thể được bảo lưu trong EVFTA, EVIPA, cân nhắc phê chuẩn đồng thời cả hai Hiệp định hay tiến hành phê chuẩn lần lượt.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến bày tỏ băn khoăn về lộ trình thúc đẩy nghị viện các nước thông qua EVIPA
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo bổ sung, làm rõ về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp thu, giải trình các ý kiến của các đại biểu
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống phát biểu tại phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu hoan nghênh các ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm chuẩn bị một cách toàn diện trước khi trình Quốc hội phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA, EVIPA và Công ước số 105 của ILO. Ủy ban đối ngoại tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu, hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 44./.