Ra mắt các thành viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV Ảnh: Đình Nam
Tham dự Phiên họp còn có Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại; lãnh đạo Bộ Ngoại giao, cơ quan, tổ chức hữu quan và các thành viên của Ủy ban Đối ngoại.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, nhằm triển khai Kế hoạch hoạt động năm 2016, tại Phiên họp lần thứ Nhất, Ủy ban Đối ngoại sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến các nội dung gồm: Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước năm 2016; Xem xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016 và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2017 của Bộ Ngoại giao; cho ý kiến về dự thảo báo cáo thẩm tra thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2016 và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2017 của Bộ Ngoại giao; Thông qua Quy chế hoạt động của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV.
Thảo luận về các Báo cáo của Chính phủ và Bộ Ngoại giao, các thành viên Ủy ban nhất trí cho rằng, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin hơn nữa với Ủy ban Đối ngoại trong việc đánh giá cơ chế, tình hình, đối tượng, phạm vi các hoạt động đối ngoại… Từ đó, góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước có chính sách phù hợp trong đường lối, chủ trương đối ngoại của nước ta trong thời gian tới.
Tiếp đó, sau khi xem xét, cho ý kiến với 100% các thành viên tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Đối ngoại đã thông qua Quy chế hoạt động của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV.
Quy chế hoạt động gồm 7 Chương, 30 Điều. Cụ thể, Chương I: Những quy định chung, gồm 3 Điều (từ Điều 1 đến Điều 3), quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Quy chế; cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Ủy ban.
Chương II: Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Đối ngoại, gồm 6 Điều (từ Điều 4 đến Điều 9), quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban, Thường trực Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Ủy viên Thường trực Ủy ban và Ủy viên khác của Ủy ban trên cơ sở trích dẫn và cụ thể hóa các quy định có liên quan tại Luật Tổ chức Quốc hội để phù hợp với việc triển khai các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban trên thực tế.
Chương III: Phiên họp toàn thể Ủy ban, Thường trực Ủy ban Đối ngoại gồm 4 Điều (từ Điều 10 đến Điều 13), quy định các vấn đề cụ thể liên quan đến việc triệu tập, tổ chức, chuẩn bị nội dung và trình tự phiên họp toàn thể của Ủy ban Đối ngoại; các vấn đề liên quan đến việc tổ chức phiên họp của Thường trực Ủy ban Đối ngoại.
Chương IV: Chế độ báo cáo và sử dụng chuyên gia tư vấn, gồm 5 Điều (từ Điều 14 đến Điều 18), quy định về chế độ giao ban, báo cáo của Thường trực Ủy ban; việc chuẩn bị ý kiến nghiên cứu đối với các dự án luật, pháp lệnh, báo cáo và dự án khác do Ủy ban chủ trì hoặc tham gia thẩm tra; việc phát biểu tại các cuộc họp, hội nghị, diễn đàn, hội thảo, tọa đàm và trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban và chế độ sử dụng chuyên gia tư vấn cho Ủy ban đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Ủy ban.
Chương V: Trách nhiệm tham mưu, giúp việc của Vụ Đối ngoại, gồm 6 Điều (từ Điều 19 đến Điều 25), quy định về vị trí, chức năng, lề lối làm việc của Vụ Đối ngoại với vai trò là đơn vị giúp việc chuyên môn của Ủy ban Đối ngoại và cụ thể hóa quy định về sự chỉ đạo của Chủ nhiệm Ủy ban, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban và Ủy viên Thường trực Ủy ban đối với Vụ Đối ngoại.
Chương VI: Tổ chức Hội nghị, Tọa đàm, Hội thảo, Diễn đàn, Phiên giải trình, gồm 3 Điều (từ Điều 26 đến Điều 28), quy định về nguyên tắc tổ chức, báo cáo kết quả Hội nghị, lưu trữ hồ sơ và chế độ tài chính.
Chương VII: Thời hiệu thi hành và việc sửa đổi, bổ sung Quy chế, gồm 2 Điều (Điều 29 và Điều 30), quy định về hiệu lực thi hành và việc sửa đổi, bổ sung Quy chế.
Tại phiên họp này, Ủy ban Đối ngoại cũng đã tiến hành ra mắt các thành viên của Ủy ban. Theo đó, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV gồm 33 thành viên: 01 Chủ nhiệm, 04 Phó Chủ nhiệm, 04 Ủy viên Thường trực và 33 Ủy viên Ủy ban.