Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam với Chủ tịch Thượng viện Bhutan tại Hội nghị
Đây là hội nghị nghị viện quốc tế đầu tiên do Nghị viện Bhutan đăng cai tổ chức, Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của gần 100 đại biểu đến từ 22 nước trong khu vực châu Á cùng các khách mời của tổ chức quốc tế. Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam gồm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa tham dự Hội nghị.
Thủ tướng Bhutan Dasho Tshering, Chủ tịch Hạ viện Tshogpon Jigme Zangpo, Phó Chủ tịch thứ hai Quốc hội Campuchia Nguon Nhel, Trưởng đại diện UNDP tại Bhutan Gerald Daly và Tổng Thư ký APA M.Reza Majidi đã có các bài diễn văn khai mạc Hội nghị. Các đại biểu cho rằng Bhutan là một địa điểm rất phù hợp để tổ chức cuộc họp của Ủy ban bàn về các vấn đề văn hóa xã hội, tin tưởng rằng cuộc họp sẽ đạt được hiệu quả thiết thực, thông qua các nghị quyết của Ủy ban văn hóa xã hội APA, đóng góp vào các hoạt động chung của Diễn đàn. Đây cũng là một cơ hội quan trọng để các nghị sỹ châu Á trao đổi, tìm hiểu thêm về các vấn đề văn hóa, tôn giáo, chia sẻ kinh nghiệm góp phần nâng cao quan hệ hợp tác, cùng tìm ra các giải pháp ứng phó với những thách thức mà APA đang gặp phải trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu, chiến tranh, khủng bố…, hướng tới thúc đẩy giữ vững bản sắc văn hóa, hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại khu vực châu Á.
Tại các phiên họp, các đại biểu đã phát biểu và thảo luận nội dung của những nghị quyết về các vấn đề văn hóa và xã hội của hội đồng nghị viện châu Á. Thay mặt đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam, trong bài phát biểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị, cho rằng bề dày và sự đa đạng của các nền văn minh, văn hóa ở châu Á là nền tảng vững chắc, quan trọng để các quốc gia tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay, các nghị sỹ APA sẽ tăng cường kết nối mạnh mẽ, cùng đưa ra những giải pháp đối phó với những thách thức chung; hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để chung tay xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.
Những dự thảo nghị quyết được thảo luận lần này vừa sâu sắc về nội dung; vừa đa dạng về chủ đề, từ vấn đề văn hóa, đối thoại giữa các tôn giáo, thúc đẩy hội nhập khu vực đến những vấn đề nổi bật trong xã hội như y tế công bằng, quyền lợi của người lao động nhập cư, chống ma túy và chống buôn bán cổ vật... Đây là những vấn đề căn bản đối với khu vực châu Á; thể hiện được nguyện vọng và quyền lợi của người dân mà các nghị sỹ là những người đại diện chính đáng.
Bên lề cuộc họp, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đã gặp gỡ tiếp xúc với các nghị sỹ đến từ Thượng viện, Hạ viện Bhutan và các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Bhutan cũng như các nghị viện khác trong khu vực. Sau hơn 2 ngày thảo luận sôi nổi, Hội nghị đã thống nhất thông qua 10 nghị quyết.
+ APA được thành lập năm 2006 với tiền thân là Hiệp hội Quốc hội châu Á vì Hòa bình (AAPP) được thành lập năm 1999. APA được thành lập với 42 thành viên nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình và hội nhập tại khu vực châu Á thông qua cơ chế nghị viện.