Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Kon Tum
Kon Tum là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc Tây Nguyên, với gần 155km đường biên giới trên địa bàn 2 huyện Ngọc Hồi và Đắk Glei (Đắk gờ Lây), tiếp giáp với 2 tỉnh Attapư (át ta pư) và tỉnh Sê Kong (sê công) của nước bạn Lào. Thực hiện Đề án giữa 2 chính phủ, tỉnh Kon Tum đã đàm phán, kí kết biên bản thống nhất lộ trình, tiến độ, phương thức thực hiện với 2 tỉnh Attapư (át ta pư) và Sê Kong (sê công); tổ chức khảo sát đơn phương, lấy lời khai, dấu vân tay chữ kí, hình ảnh đối với 43/44 người di cư tự do, kết hôn ngoài giá thú đến từ các tỉnh của Lào. Trước đó, tỉnh Kon Tum cũng đã làm thủ tục nhập quốc tịch và đăng kí kết hôn cho gần 1000 người di cư từ Lào sang Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum
Khó khăn nhất hiện nay của Kon Tum trong quản lý dân di cư tự do và kết hôn ngoài giá thú trong vùng biên giới chính là việc giữa các buôn, làng vùng biên có mối quan hệ dòng tộc sâu sắc; bên cạnh đó công tác quản lý còn gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn hiểm trở, chia cắt trong khi cán bộ tại các xã, huyện còn thiếu thốn. Người dân tại các khu vực biên giới thường xuyên giao lưu, buôn bán, nên việc cưới xin giữa người Việt Nam và Lào hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là đối với các dân tộc thiểu số vùng biên. Họ lại chưa có đầy đủ kiến thức về luật hôn nhân và gia đình, đa phần là cưới xin tự phát mà không thông báo với chính quyền địa phương nên rất khó trong công tác quản lý vấn đề này.
Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thăm, làm việc với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y
Ghi nhận những kiến nghị của UBND tỉnh, đoàn đã có buổi giám sát thực tế tình hình thực hiện Đề án tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y và huyện Ngọc Hồi. Đánh giá cao nỗ lực của Kon Tum trong thực hiện đề án, Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị tỉnh Kon Tum cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân tại các huyện, xã vùng biên trong di cư tự do và kết hôn ngoài giá thú; đề nghị tỉnh cần tạo điều kiện hỗ trợ đối với đối tượng này, đặc biệt là trong vấn đề đăng kí kết hôn đối với các cặp vợ chồng; bên cạnh đó tăng cường vai trò của các xã, huyện vùng biên và đặc biệt là các đồn biên phòng đóng trên địa bàn.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu rõ: “Cũng nhắc các địa phương tập trung công tác tuyên truyền và giám sát. Đặc biệt giám sát thường xuyên kiểm tra thường xuyên nhưng phải vừa thực tiễn ở địa bàn đồng thời cũng phải có báo cáo tổng hợp đầy đủ. Mình nói gì thì nói nhưng làm tốt rồi thì cũng không được chủ quan. Đặc biệt là bộ đội biên phòng lúc nào cũng phải đưa ra các tình huống và có phương án xử lý cho thích hợp, kịp thời khi nó vừa manh nha”.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng khẳng định, việc thực hiện có hiệu quả Đề án thỏa thuận giữa 2 nước sẽ góp phần tích cực trong ổn định an ninh chính trị, trật tự vùng biên, qua đó củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam - Lào trong thời kì mới./.