THẨM TRA TỜ TRÌNH ĐỀ XUẤT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

23/06/2021

Chiều 23/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Dự phiên họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước; Ủy ban Dân tộc cùng các Phó Chủ nhiệm và Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế; thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Các thành viên Ủy ban Kinh tế tham dự trực tuyến.

Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể trực tuyến

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đến nay đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Trên cơ sở kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021, Chính phủ tiếp tục đề nghị với Quốc hội cho phép thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sắp tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành tựu, kết quả to lớn, toàn diện và mang dấu ấn lịch sử. Bộ mặt của nông thôn thay đổi nhanh chóng, kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực, nhiều mô hình sản xuất nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Số xã đạt nông thôn mới vượt 12,4% so với yêu cầu của Quốc hội, về đích trước gần 2 năm so với mục tiêu đề ra. Nhiều tỉnh, thành phố có 100% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn, thách thức khi nhiều nông thôn phát triển chưa thực sự bền vững, năng suất lao động còn thấp, năng suất chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Cơ cấu kinh tế, lao động nông nghiệp chuyển dịch còn chậm. Thu nhập, đời sống của một bộ phận người dân nhất là ở vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu giảm nghèo chưa thực sự bền vững.

Trên cơ sở những kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đặt ra yêu cầu trong nhiệm kỳ tới tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, qua tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 54 ngày 07/8/2019 đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt nông thôn mới và ít nhất 10% đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều có định hướng xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chính phủ đã có Tờ trình để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương cho phép tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn tiếp theo. Để chuẩn bị cho phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể thẩm tra về nội dung này.

Trình bày tóm tắt Tờ tình của Chính phủ về Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cấp xã phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; cấp huyện phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thon mới; cấp tỉnh có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do cấp tỉnh quy định.

Chương trình giai đoạn 2021-2025, được thiết kế với 11 nội dung thành phần, trong đó, các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu, nội dung, nhiệm vụ thực hiện được điều chỉnh, bổ sung theo hướng cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của đất nước, phù hợp với, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương và các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuân, nâng cao, kiểu mẫu) thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, cụ thể:

Nội dung 01: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch gắn với quá trình đô thị hoá.

Nội dung 02: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.

Nội dung 03: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất; triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; phát triển dịch vụ, du lịch nông thôn góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Nội dung 04: Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang và hải đảo.

Nội dung 05: Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.

Nội dung 06: Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn.

Nội dung 07: Nâng cao chất lượng môi trường, tăng cường hệ thống cấp nước sạch nông thôn; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan truyền thông của nông thôn Việt Nam.

Nội dung 08: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân.

Nội dung 09: Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới.

Nội dung 10: Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn.

Nội dung 11: Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; Nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới; Truyền thông về xây dựng nông thôn mới.

Tờ trình của Chính phủ cũng dự kiến phương án bố trí vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp của Chương trình giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ; nội dung hỗ trợ từ ngân sách địa phương và các nguồn lực huy động hợp pháp khác ngoài ngân sách; cơ chế phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương và dự kiến cơ cấu các nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội Khóa XV xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Chính phủ phê duyệt Chương trình theo quy định của Luật Đầu tư công để làm căn cứ hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện; đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét, phê duyệt vốn ngân sách Trung ương cho Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được thành tựu to lớn. Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, còn có ý kiến băn khoăn về nguồn vốn bổ sung thêm cho thực các chương trình, dự án thành phần của chương trình mục tiêu quốc gia nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế và ngân sách nhà nước. Do đó, cần cân nhắc việc tăng chi cho nội dung này, đề xuất phân bổ nguồn lực thực hiện trong khả năng của ngân sách nhà nước, gắn với dự kiến phân bổ của vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng Chính phủ chưa nguyên tắc phân bổ nguồn lực thực hiện, do đó cần xác định nguyên tắc phân bổ bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có ưu tiên đầu tư để tránh dàn trải lãng phí.

Theo Khoản 7 điều 29 Luật Đầu tư công quy định trong nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công có phân chia các dự án thành phần của chương trình theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trong báo cáo đề xuất hiện nay chưa phân chia thành các dự án thành phần mà mới nêu các nội dung thực hiện. Các đại biểu đề nghị làm rõ vấn đề này đề đảm bảo thể chế định hướng của đảng, trong đó Nghị quyết và Văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã nêu phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn bản.

Cùng với đó các đại biểu cũng đề nghị rà soát, xử lý trùng lặp giữa các chương trình mục tiêu quốc gia khác; lưu ý công tác điều hành quản lý Chương trình, xem xét mô hình hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Giải trình làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng nông thôn là câu chuyện của tất cả mọi người, mỗi người, mỗi bên với vai trò khác nhau từ xây dựng đến thẩm định, thông qua và giám sát chính sách, nhưng đều hướng đến cùng nhau thực hiện nông thôn mới thiết thực, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để tiếp tục hoàn thiện Tờ trình, báo cáo và các văn bản liên quan để có được Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới đúng định hướng, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết thêm, vấn đề đặt ra là đầu tư hiệu quả bởi thực tế thời gian qua có lãng phí trong đầu tư, còn nhầm lẫn giữa mục tiêu và phương tiện thực hiện. Do đó, trong giai đoạn tới cần xác định rõ cốt lõi của nông thôn mới là nâng cao năng lực cộng đồng, để người nông dân có đủ năng lực để tham gia sản xuất, nâng cao đời sống; không mặc đồng phục cho mọi địa phương, do đó những người lãnh đạo địa phương phải có cách hiểu đúng tư duy đúng để có cách làm đúng.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế sẽ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 58 tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị Tờ trình của Chính phủ cần bổ sung thêm đánh giá khái quát kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn trước để các đại biểu thấy được các kết quả và tồn tại hạn chế để từ đó có giải pháp cho giai đoạn tới một cách phù hợp; đồng thời có giải trình và làm rõ các nội dung nhiều đại biểu đề cập như phân bổ nguồn lực và sử dụng sao cho hiệu quả tránh trùng lặp, tiết kiệm, không lãng phí, vấn đề điều phối, cân đối nguồn lực thực hiện; cân nhắc các tiêu chí thực hiện để bảo đảm thực chất; rà soát các nội dung và mối quan hệ với các chương trình mục tiêu quốc gia khác; cơ chế vận hành của Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia thời gian tới./.

Bảo Yến - Minh Thành

Các bài viết khác