PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ PHIÊN HỌP THƯỜNG TRỰC ỦY BAN KINH TẾ THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

09/09/2022

Chiều 09/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ dự an Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.

Cùng tham gia phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và nếu đủ điều kiện sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thư 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023). Dự án Luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.

Thời gian qua, để chuẩn bị cho công tác thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để rà soát tiến độ, các nội dung còn ý kiến khac nhau của dự án Luật; tiến hành khảo sát tại một số địa phương và hợp tác xã; phối hợp với các cơ quan để tổ chức các hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật.

Theo đó, hiện nay còn một số ý kiến khác nhau về tên gọi của luật, phạm vi điều chỉnh, xem xét việc bổ sung Tổ hợp tác, Liên đoàn Hợp tác xã vào đối tượng điều chỉnh của luật. Bên cạnh đó, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới với 8 nhóm chính sách lớn đòi hỏi phải được thể chế hóa trong luật. Ngoài ra, các nội dung về Tổ hợp tác, Liên đoàn Hợp tác xã, các tổ chức đại diện, Lên minh Hợp tác xã Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, các nội dung quy định về tài chính, tài sản của Hợp tác xã, tín dụng nội bộ, chế độ hạch toán, kế toán, mô hình tổ chức quản trị…còn nhiều ý kiến khác nhau cần được tiếp tục thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khai mạc phiên họp

Trình bày Tờ trình dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, dự thảo dự án Luật trình Quốc hội bao gồm 12 Chương 117 Điều. Các nội dung sửa đổi bám sát 5 nhóm chính sách.

Một là, về hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã: nhấn mạnh nguyên tắc về giáo dục, tập huấn thường xuyên cho thành viên, người lao động; mở rộng đối tượng tham gia tổ chức kinh tế tập thể cả nhân từ 15 tuổi trở lên, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân, thành viên liên kết có góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn; bổ sung nghĩa vụ của tổ chức kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân phải kết nạp thành viên khi dù điều kiện.

Hai là, mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức đại diện: bổ sung đối tượng Tổ hợp tác và Liên đoàn Hợp tác xã; quy định rõ Liên minh Hợp tác xã là tổ chức đại diện, bảo vệ lợi ích cho thành viên hoạt động theo pháp luật về hội.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống trình bày Tờ trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Ba là, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển: sửa đổi quy định giới hạn tỷ lệ giao dịch bên ngoài do Điều lệ tự quyết định, Nhà nước không áp đặt tỷ lệ cứng; làm rõ quy định cá nhân, tổ chức có thể góp vốn bằng quyền sở hữu, hoặc quyền hưởng dụng đối với tài sản góp vốn; làm rõ quy định tổ chức kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân được phép hoạt động tín dụng nội bộ; bổ sung các quy định hạch toán, kế toán riêng giao dịch bên trong và giao dịch bên ngoài, quy định về quỹ chung không chia, yêu cầu trích lập vào quỹ chung không chia, tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Bốn là, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã: bổ sung 01 chương về kiểm toán, quy định đối tượng, tần suất, phạm vi kiểm kiểm toán nội bộ; quy định cơ cấu tổ chức phù hợp với quy mô hoạt động, yêu cầu quản trị, điều hành của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; quy định về Đại hội thành viên trực tuyến; về ban kiểm soát, giám đốc, kế toán…

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông; bổ sung một Chương về chính sách phát triển đối với tổ chức kinh tế tập thể.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn trao đổi về một số nội dung lơn trong quá trình thẩm tra

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật. Phương án 1 là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Phương án 2 là Luật Hợp tác xã.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, dự thảo luật còn nhiều nội dung chung chung cần tiếp tục nghiên cứu đảm bảo tính khả thi, nhất là đồng bộ thống nhất với các luật đã có và đang đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Bám sát và thể chế hoá đúng và đầy đủ quan điểm, mục tiêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 và đảm bảo sự tương thích về khung khổ pháp luật giữa các loại hình tổ chức kinh tế ở trong nước, tạo môi trường thể chế bình đẳng. Các đại biểu cũng lưu ý rằng cần đưa vào tối đa các quy định tại văn bản hướng dẫn thực hiện Luật hiện hành được triển khai hiệu quả thời gian qua; tránh tình trạng giao Chính phủ, bộ, ngành quy định chi tiết quá nhiều điều khoản.  

Liên quan đến nội dung xin ý kiến của Chính phủ, nhiều ý kiến không tán thành với phương án thay đổi tên gọi thành dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác như đề nghị của Chính phủ và đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có đề xuất phù hợp.

Các đại biểu tham gia phiên họp

Một trong những nội dung mới của dự thảo Luật được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về kiểm toán đối với hợp tác xã. Các đại cho rằng hoạt động này là cần thiết nhằm tạo sự minh bạch và phản ánh sức khỏe của hợp tác xã. Tuy nhiên cần xem xét kỹ lưỡng và có quy định cụ thể với đối tượng kiểm toán. Theo Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ, hợp tác xã quy mô vừa và lớn thì có thể tiến hành kiểm toán độc lập được nhưng đối với Liên hiệp Hợp tác xã hay Liên đoàn Hợp tác xã thì quy định này khó khả thi do khó hạch toán. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng cần thiết phải kiểm toán nhưng cần quy định ở mức độ phù hợp để khuyến khích các hợp tác xã thực hiện. Do đó cần quy đinh đơn giản, không thể phức tạp như kiểm toán doanh nghiệp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật để Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý kinh tế tập thể có nhiều loại hình và hiện nay mô hình hợp tác xã cũng rất khác so với trước đây. Do đó, không nên khuôn vào một mô hình cụ thể mà mô hình nào phát huy hiệu quả cũng cần được khuyến khích thực hiện; cũng như cần tránh mang mô hình công ty các quy định về hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp để áp dụng với hợp tác xã.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Với mục tiêu bao quát khi xây dựng luật là phải bảo đảm phát huy các nguồn lực, làm sôi động nền kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của hàng chục triệu người sản xuất nhỏ, nông dân, ngư dân, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu để tổ chức hiệu quả các mô hình Liên minh Hợp tác xã, Liên đoàn Hợp tác xã, bảo đảm sử dụng vốn góp hiệu quả; xây dựng các mô hình phù hợp với sự đa dạng về tổ chức ở các vùng miền và từng lĩnh vực. Cùng với đó phải tháo gỡ khó khăn hiện nay của hợp tác xã về cơ sở vật chất, cán bộ quản lý, phương thức quản trị, bảo đảm sẽ hỗ trợ tổ chức được các hợp tác xã kiểu mới.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Các đại biểu nghe trình bày Tờ trình dự án Luật

Ủy viên Ủy ban Kinh tế Nguyễn Quốc Luận -  Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

 Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác