HÌNH ẢNH ỦY BAN KINH TẾ THẨM TRA QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN 2045 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 5 NĂM 2021-2025

07/10/2021

Chiều 07/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể theo hình thức trực tuyến để thẩm tra Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự phiên họp.

 

Cùng dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trình bày Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). 

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua; đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nêu một số lưu ý cần được khắc phục; Xem xét sự phù hợp của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch khác.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Phiên họp được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Các đại biểu tham dự phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực to lớn và quan trọng bậc nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, liên quan đến việc phân bổ dân cư, lao động, phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng, môi trường, quốc phòng và an ninh. Vì vậy, đất đai phải được phân bổ hợp lý với tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương tạo tính liên kết liên vùng, liên tỉnh và phải bảo đảm được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Trước khi trình Quốc hội, nội dung này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp thứ 4 (tháng 10/2021)

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trình bày Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) và thảo luận về vấn đề này

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trình bày Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai gợi ý nội dung thảo luận

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua; đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nêu một số lưu ý cần được khắc phục. Xem xét sự phù hợp của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch khác

Một số đại biểu cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng đến nay quy hoạch tổng thể quốc gia chưa có. Điều này đòi hỏi quá trình lập các quy hoạch cần có sự phối hợp rà soát giữa các cơ quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các loại quy hoạch; đồng thời rà soát để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch và điều kiện bảo đảm nguồn lực thực hiện quy hoạch

Bên cạnh đó, các đại biểu đặt vấn đề về quan điểm tiếp tục điều chỉnh diện tích đất trồng lúa; cân nhắc nên giữ hay điều chỉnh linh hoạt theo hướng phát huy hiệu quả sử dụng đất; việc điều chỉnh linh hoạt cần bảo đảm có thể khôi phục lại đất trồng lúa, không thay đổi tính chất của đất trồng lúa

Ngoài ra, đối với đất khu công nghiệp dự kiến quy hoạch cũng tăng khá nhiều so với giai đoạn trước, tuy nhiên thực tế giai đoạn 2011-2020 chỉ tiêu đất khu công nghiệp đạt rất thấp (hơn 47,45%), tỷ lệ lấp đầy bình quân chỉ là 75%. Do đó cần rà soát chỉ tiêu đất khu công nghiệp để bảo đảm tính khả thi, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh còn phức tạp giai đoạn tới, việc thu hút đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ khó khăn hơn. Các đại biểu cũng quan tâm việc hiện nay một số địa phương thiếu quỹ đất nên tiến hành lấn biển để phát triển kinh tế, xã hội, tuy nhiên, cần thiết phải quy định tiêu chí cụ thể như thế nào để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường

Báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, quy hoạch lần này có điểm mới là tính đến các chỉ tiêu cố định theo căn cứ chính trị, xác định mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đề ra như bảo tồn rừng, rừng đặc dụng, an ninh lượng thực thì giữ vững; bên cạnh đó có những chỉ tiêu giữ và xem xét có điều kiện để khai thác sử dụng linh hoạt, hiệu quả theo thị trường mà không làm thay đổi tính chất đất đai...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, tính khả thi của quy hoạch phụ thuộc vào các địa phương có tính toán, cân nhắc chi tiết các dự án đầu tư dựa trên hiệu quả đầu tư trên đất đai, xã hội và môi trường. Do đó, quy hoạch một mặt đảm bảo định hướng trong quản lý đất đai, cân đối đất đai cho bảo tồn, bảo vệ không gian; mặt khác có tính đến thị trường huy động dự án đầu tư, tiến độ sử dụng đất

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về cơ bản các đại biểu tán thành chủ trương phân cấp, giao quyền cho chính quyền địa phương song chỉ nên áp dụng với các dự án đầu tư công, đồng thời cân nhắc thể thức văn bản trình, quy trình thủ tục đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung làm rõ nguồn lực triển khai thực hiện quy hoạch bảo đảm khả thi, khắc phục quy hoạch treo, tăng cường ứng dụng công nghệ thống tin giải quyết tranh chấp khiếu nại

Minh Thành

Các bài viết khác