UỶ BAN KINH TẾ THẨM TRA DỰ ÁN XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC – NAM PHÍA TÂY ĐOẠN GIA NGHĨA – CHƠN THÀNH

25/04/2024

Tiếp tục phiên họp toàn thể Uỷ ban Kinh tế khoá XV, chiều ngày 25/4, dưới sự chủ trì của chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Uỷ ban kinh tế tổ chức phiên họp thẩm tra báo cáo thẩm tra Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).

PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 13 CỦA UỶ BAN KINH TẾ

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước; đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước…

Toàn cảnh phiên họp thẩm tra báo cáo về Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)

Ngày 20/12/2023, Chính phủ có Tờ trình số 695/TTr-CP về Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước). Trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký quốc hội, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đã phối hợp với một số Uỷ ban của Quốc hội tổ chức Đoàn khảo sát Dự án.

Theo báo cáo của Chỉnh phủ, hiện mạng lưới đường bộ cao tốc gồm 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.014 km. Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 1.892 km đường cao tốc, đang xây dựng 1.600 km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 1.267 km; trong đó tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025. Theo quy hoạch, đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh; việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tại các Nghị quyết số 23-NQ/TW, số 24-NQ/TW, Bộ Chính trị đã định hướng đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trước năm 2030.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, theo quy hoạch, mạng lưới đường bộ cao tốc gồm 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.014 km. Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 1.892 km đường cao tốc, đang xây dựng 1.600 km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 1.267 km; trong đó tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025.

Thứ trưởng cũng nêu rõ, đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và Tp.Hồ Chí Minh. Việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tại Nghị quyết số 23-NQ/TW, Nghị quyết số 24-NQ/TW, Bộ Chính trị đã định hướng đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trước năm 2030. Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài 140 km, quy mô 6 làn xe.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn báo cáo Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)

Theo tờ trình, để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, phù hợp với khả năng cân đối, thu xếp nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả tài chính, Chính phủ đề xuất: giai đoạn phân kỳ đầu tư Dự án với chiều dài khoảng 128,8 km (đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8 km, qua địa phận tỉnh Bình Phước 101 km, bao gồm cả 2 km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa), quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch (6 làn xe)

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được thiết kế phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, bảo đảm tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h. Hướng tuyến cơ bản phù hợp với quy hoạch được duyệt, điều chỉnh cục bộ hướng tuyến một số đoạn để khắc phục điều kiện địa hình, thuận lợi trong thi công và khai thác, tạo không gian phát triển mới cho địa phương. Để đảm bảo kết nối và phát triển kinh tế - xã hội, trong phạm vi dự án dự kiến đầu tư 11 nút giao liên thông (giai đoạn phân kỳ đầu tư 5 nút giao, giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư 6 nút giao còn lại); bố trí đầy đủ hệ thống cầu vượt ngang, đường gom, hầm chui dân sinh để bảo đảm kết nối, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, hạn chế chia cắt cộng đồng.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư, Dự án được tính toán, xác định tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, bao gồm Vốn nhà nước, vốn nhà đầu tư. Chia thành 05 dự án thành phần, trong đó, Dự án thành phần 1 (đường cao tốc) đầu tư theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT); sơ bộ thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm. Các dự án thành phần 2, 3, 4, 5 thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua địa phận tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Phước triển khai theo hình thức đầu tư công.

Theo báo cáo Chính phủ, tiến độ cụ thể, giai đoạn năm 2023 - 2024 sẽ chuẩn bị dự án; Giải phóng mặt bằng năm 2024 - 2025; Thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026. Theo thiết kế sơ bộ, giải pháp thiết kế Dự án chủ yếu là các công trình cầu giản đơn, nền đường đào, đắp thông thường, không phải xử lý đất yếu, không có công trình đặc biệt… đồng thời đã đề xuất áp dụng một số cơ chế đặc thù nên tiến độ triển khai Dự án như nêu trên là cơ bản khả thi. Để triển khai thực hiện dự án này, Chính phủ đề xuất, Quốc hội chấp thuận bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và 1.500 tỷ đồng  từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư dự án. Bên cạnh đó, theo quy định, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được giải ngân đến hết ngày 31/01/2026, nên để bảo đảm tính liên tục về bố trí nguồn vốn để giải ngân, đáp ứng tiến độ thi công theo yêu cầu, Chính phủ kiến nghị, Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn 8.770 tỷ đồng bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. 

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phát biểu tại phiên họp

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, các đại biểu tán thành với sự cần thiết đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, dự án này cũng cơ bản phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan.

Một số ý kiến băn khoăn về bố trí nguồn vốn cho dự án, vì thực hiện cam kết bố trí vốn từ ngân sách Trung ương không có vướng mắc nào, nhưng thực hiện bố trí vốn đối ứng của hai tỉnh Đắk Nông, Bình Phước cho dự án này sẽ có một số khó khăn nhất định. Từ số liệu tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách trong năm 2023 của hai địa phương cho thấy, việc cân đối ngân sách địa phương để bố trí cho thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành là một nhiệm vụ khó khăn với hai tỉnh nêu trên.

Một số ý kiến cũng lo ngại về tính khả thi của việc đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư, khi thực tế thời gian qua cho thấy việc huy động nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án giao thông BOT gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, các ý kiến đề nghị, bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho dự án, cũng như tính toán phương án, thời gian thu phí để bảo đảm khả năng hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Tại phiên họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước, Đắk Nông đã giải trình về việc bố trí vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương; các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho dự án; phương án thu phí hoàn vốn cho dự án... Trong đó, theo đại diện UBND các tỉnh, HĐND hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đã có nghị quyết phân bổ từ ngân sách địa phương để cung cấp vốn đối ứng thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp

Phát biểu kết luận đối với báo cáo Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây là tuyến cao tốc có vai trò quan trọng, góp phần triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Vì vậy, cần làm rõ sự phù hợp, cơ sở pháp lý của việc dự án đề xuất đầu tư thêm 2km đoạn kết nối từ nút giao với cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa so với quy hoạch được duyệt; báo cáo bổ sung về tính khả thi của việc đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư; đánh giá tác động của dự án này với thực hiện dự án BOT Cầu 38 và dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Km817 - Km887 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông...

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị các địa phương cần lưu ý dự án là công trình cấp đặc biệt với quy mô và tính chất phức tạp cao, đòi hỏi năng lực quản lý án chuyên nghiệp và công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng, để bảo đảm tiến độ, chất lượng cho dự án này, đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời rà soát, chuẩn bị các giải pháp từ sớm, từ xa để ứng phó với các khó khăn, vướng mắc, tránh bị động, chậm trễ khi xảy ra.

Một số hình ảnh tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp thẩm tra báo cáo Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành

Hình ảnh các đại biểu tham dự phiên họp

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế Quốc hội phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Lê Hoàng Anh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội phát biểu tại phiên họp

Ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại phiên họp

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu tại phiên họp

Hải Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác