Trách nhiệm Kiểm toán Nhà nước phải tương xứng với thẩm quyền

26/05/2015

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 26/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Thảo luận về Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), đa số các đại biểu đánh giá cao giải trình tiếp thu của Ban soạn thảo, tuy nhiên nhiều đại biểu tập trung đề nghị, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao tính trung thực, minh bạch, giá trị pháp lý của kiểm toán.

Về trách nhiệm, nghĩa vụ Kiểm toán nhà nước, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng cho rằng, sửa Luật kiểm toán lần này là tăng thêm trách nhiệm, quyền hạn của Kiểm toán, nhưng chúng ta chỉ mới tăng nhiệm vụ, quyền hạn, còn trách nhiệm thì chưa rõ, chưa tương xứng.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ -Thái Bình chỉ ra, dự thảo Luật quy định nặng về xác định quyền của Kiểm toán Nhà nước hơn là trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức này. Đại biểu Thân Đức Nam - Đà Nẵng cho rằng, cần nghiên cứu nhằm thể hiện rõ trách nhiệm cụ thể của Kiểm toán Nhà nước theo hướng ràng buộc trách nhiệm của kiểm toán đối với kết luận kiểm toán.

Đại biểu Thân Đức Nam phát biểu tại Hội trường                                                                                 Ảnh: Đình Nam

Về nhiệm kỳ Tổng kiểm toán còn nhiều ý kiến khác nhau, một số cho rằng nên để nhiệm kỳ Tổng kiểm toán là 7 năm, một số khác cho rằng nên để nhiệm kỳ 5 năm là phù hợp.

Đại biểu Vương Đình Huệ - Bình Định, đề nghị Quốc hội giữ nguyên nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán nhà nước là 7 năm như quy định của luật hiện hành và như Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này, nhằm đảm bảo tính đặc thù, tính độc lập và ổn định của Kiểm toán nhà nước và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội trường                                                                                 Ảnh: Đình Nam

Đồng tình với điều này, đại biểu Bùi Đức Thụ - Lai Châu đề nghị quy định nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán nhà nước là 7 năm. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy trong thời gian qua cũng không có vấn đề gì vướng mắc. Trong trường hợp cần thiết phải điều chuyển công tác đối với đồng chí Tổng kiểm toán nhà nước thì cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể thực hiện được.

Không đồng tình với phương án trên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn - Nam Định cho rằng, vị trí Tổng kiểm toán Nhà nước nên là 5 năm để thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị. Theo đại biểu, có thể nói, trong hệ thống chính trị của Việt Nam, tất cả các chức danh, các vị trí đều làm 5 năm, không nên có một chức danh nào đấy lại là 7 năm.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí cao với việc quy định thời hạn kiểm toán là 60 ngày và thời hạn bổ sung khi có vấn đề là 30 ngày như Dự thảo luật. Các nội dung về thời hạn bổ nhiệm Phó tổng kiểm toán, về đối tượng của Kiểm toán nhà nước, về Hội đồng kiểm toán và chế độ làm việc của Hội đồng… cũng được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

+ Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Mai Trang