Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 24/5/2018, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và dự thảo Luật.
Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua với kết quả như sau: có 469 ĐBQH tham gia biểu quyết, chiếm 96,30%; 464 ĐBQH tán thành, chiếm 95,28%; 05 ĐBQH không tán thành, chiếm 1,03%.
Dự thảo Luật Cạnh tranh gồm 10 chương, 118 điều quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) nêu rõ, về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại Chương III, Quy định tại khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu chỉ đề cập đến 03 hình thức cụ thể của hành vi thông thầu các hình thức quy định tại Luật Đấu thầu chỉ quy định đối với hình thức đấu thầu có sử dụng vốn nhà nước, trong khi quy định tại khoản 4 Điều 11 dự thảo Luật về thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ có phạm vi rộng hơn, bao quát nhiều dạng thức khác có thể phát sinh trong hoạt động đấu thầu liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung, quy định này kế thừa Luật Cạnh tranh hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý tại khoản 2 Điều 12 của dự thảo Luật, quy định cấm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 11 của Luật này, phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự. Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật này về nguyên tắc là hành vi bị cấm, doanh nghiệp không thể đương nhiên được thực hiện nếu không có quyết định được hưởng miễn trừ của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia. Việc doanh nghiệp được hưởng miễn trừ cần phải được Ủy ban cạnh tranh Quốc gia quyết định trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách thận trọng, tuân thủ theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và đúng thời hạn theo quy định của Luật này để bảo đảm môi trường cạnh tranh và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật bổ sung khoản 4 Điều 20 quy định trường hợp Ủy ban cạnh tranh Quốc gia vi phạm quy định về trình tự, thủ tục và thời hạn, doanh nghiệp có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Các ĐBQH nhấn nút biểu quyết
Về tập trung kinh tế quy định tại Chương V, Báo cáo cho biết, việc tập trung kinh tế phải chuyển từ thẩm định sơ bộ sang thẩm định chính thức là những trường hợp tập trung kinh tế có thể gây tác động hoặc có khả năng gây tác động một cách đáng kể trên thị trường. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần thẩm định kỹ, đánh giá tổng hợp khả năng tác động hạn chế cạnh tranh và khả năng tác động tích cực của tập trung kinh tế để làm cơ sở xem xét, quyết định về việc tập trung kinh tế. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải có trách nhiệm thẩm định chính thức và ra quyết định về việc tập trung kinh tế đúng thời hạn nhằm bảo vệ môi trường cạnh tranh, đồng thời bảo đảm quyền của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Trường hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không ra quyết định đúng thời hạn, nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (quy định tại khoản 3 Điều 41 dự thảo Luật).
Về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tại Chương VII, Báo cáo chỉ rõ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương do Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Việc quy định thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong đó bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm là để bảo đảm tính độc lập trong việc thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh. Quy định về bổ nhiệm và nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là 05 năm, phù hợp với Quy chế bổ nhiệm cán bộ, công chức của Chính phủ. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật đã trình Quốc hội. Ngoài ra, Điều 46 dự thảo Luật quy định cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng khác là bộ máy giúp việc của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; quy định giao Chính phủ quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Do vậy, các quy định liên quan tới cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Ngoài các nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát tiếp thu, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản, sắp xếp lại các nội dung cho phù hợp hơn./.