ASEP-11: CÁC NGHỊ VIỆN THÀNH VIÊN TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP CHẶT CHẼ NHẰM BẢO ĐẢM ỨNG PHÓ VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ PHỤC HỒI KINH TẾ

16/11/2021

Trong khuôn khổ Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ 11 (ASEP-11), chiều tối 16/11, tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự Phiên thảo luận trực tuyến chuyên đề 2 với chủ đề ''Thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong và sau đại dịch COVID-19''.

 

Toàn cảnh Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự Phiên thảo luận trực tuyến chuyên đề 2 với chủ đề “Thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong và sau đại dịch COVID-19”

Ông Yang Sem - Chủ nhiệm Ủy ban về Nhân quyền, Dân nguyện và Điều tra của Thượng viện Campuchia, Nghị sĩ Andries Gryffroy - Phó Chủ tịch Thượng viện Bỉ, đại diện khu vực Châu Âu, Tiến sĩ Sok Siphana - Chủ tịch ban giám đốc Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) đồng chủ trì Phiên thảo luận.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chuyên đề 2 với chủ đề “Thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong và sau đại dịch COVID-19”. Cùng tham dự Phiên họp từ điểm cầu Nhà Quốc hội (Hà Nội) còn có Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lê Văn Khảm; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; đại diện các Vụ thuộc Văn phòng Quốc hội: Đối ngoại; Kinh tế; Xã hội.

Tại phiên họp trực tuyến, các nghị viện thành viên ASEP tập trung thảo luận và đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong và sau đại dịch Covid-19.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên thảo luận trực tuyến chuyên đề 2 

Đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận chuyên đề 2, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội Campuchia đã chuẩn bị nội dung phiên thảo luận “Thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong và sau đại dịch Covid-19” với hình thức trực tuyến trong khuôn khổ ASEP-11, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang một lần nữa phải đối mặt với làn sóng tấn công mới và phức tạp của đại dịch. Chủ đề này rất thích hợp, mang tính thời sự bởi lẽ việc thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong và sau Covid-19 là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực thường xuyên, liên tục và cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ giữa nghị viện các quốc gia thành viên, nhất là khi thế giới đang bước vào giai đoạn ứng phó với đại dịch trong trạng thái “bình thường mới”.

Trong các năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 đã tác động và ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt kinh tế - xã hội Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã đồng hành cùng Chính phủ có nhiều giải pháp tích cực, linh hoạt, chủ động ứng phó với tác động đến từ diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của đại dịch gây ra như chủ động rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; nâng cao năng lực y tế; quan tâm đến những nhóm dễ bị tổn thương, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ an sinh xã hội và việc làm cho nhiều nhóm đối tượng đa dạng, đa ngành, lĩnh vực; chương trình hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế và trong nền hành chính - công vụ của quốc gia...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận chuyên đề 2

Để phát huy vai trò của cơ chế nghị viện đa phương ASEP, hướng tới chủ đề Phiên thảo luận thứ 2 của Hội nghị, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến đã đưa ra một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ nguồn cung vắc-xin, thuốc điều trị giữa nghị viện các quốc gia thành viên của ASEP, coi đây là giải pháp căn cơ cho việc phục hồi kinh tế, trong đó kêu gọi các quốc gia có ưu thế sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị tăng cường hỗ trợ để người dân các nước đang phát triển, các nước đang phải chịu những hệ luỵ nặng nề của đại dịch COVID-19 được tiếp cận công bằng, bình đẳng, kịp thời vắc-xin, trang thiết bị y tế hiện đại. Thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và đào tạo nhằm nâng cao năng lực ứng phó với đại dịch.

Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác giữa ASEP và các tổ chức nghị viện khu vực, tổ chức nghị viện quốc tế trong công tác ngăn ngừa, xử lý khủng hoảng, tình trạng khẩn cấp như đại dịch COVID-19 đi đôi với việc tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, nghị viện thành viên khẩn trương hoàn thiện chính sách quốc gia để vừa bảo đảm ứng phó với đại dịch COVID-19 với diễn biến phức tạp, khó lường, vừa bảo đảm các biện pháp hỗ trợ kịp thời, linh hoạt, có hiệu quả phục hồi nền kinh tế trung hạn và dài hạn, đặc biệt là theo hướng phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thông qua thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại và đầu tư xuyên biên giới, vận tải quốc tế, năng lượng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, kết nối và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các biện pháp kết nối, quảng bá du lịch, áp dụng thống nhất chính sách “hộ chiếu vắc-xin” tạo điều kiện cho sự phục hồi ngành du lịch nói riêng; phân bổ ngân sách hợp lý, kịp thời và tăng cường giám sát, trách nhiệm giải trình của Chính phủ khi triển khai các chương trình, cơ chế xử lý khủng hoảng, khôi phục nền kinh tế vượt qua đại dịch.

Phiên thảo luận trực tuyến chuyên đề 2 với chủ đề “Thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong và sau đại dịch COVID-19”

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến hy vọng rằng, sự cam kết chính trị mạnh mẽ, sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của tất cả các nghị viện thành viên ASEP sẽ giúp chúng ta vượt qua đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi nền kinh tế của mỗi quốc gia thành viên nói riêng và của thế giới nói chung trong và sau đại dịch, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn./.

Bích Ngọc - Minh Thành