UỶ BAN KINH TẾ TOẠ ĐÀM VỚI CHUYÊN GIA VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI

09/06/2021

Sáng 09/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì cuộc tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia kinh tế và đại diện các hiệp hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội.

 


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khai mạc tọa đàm - Ảnh: L.Hiển

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cám ơn các đại biểu tham dự, giúp Ủy ban có những thông tin, dữ liệu cần thiết để hoàn thiện các báo cáo trình UBTVQH trong phiên họp tháng 6 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất của Khóa XV về: tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, giải pháp cho 6 tháng cuối năm; Nghị quyết 142/2016 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.

“Dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán, bất động sản có bình thường?”

Gợi mở nội dung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị các đại biểu đánh giá về kết quả đạt được, trong đó có vấn đề gì nổi bật, cần quan tâm nhấn mạnh, biểu dương trong bối cảnh Covid diễn biến phức tạp để tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Những chính sách, cơ chế hỗ trợ triển khai thời gian qua đúng đối tượng, liều lượng chưa, hiệu quả như thế nào và cần điều chỉnh ra sao trong làn sóng dịch lần thứ 4? “Có cần gói hỗ trợ mới không để vượt qua khó khăn không, và nhìn xa hơn khi dịch kết thúc thì doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi như thế nào”?

Cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng đầu năm đạt 1,29%, thấp nhất kể từ 2016 là rất tích cực, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt vấn đề: trong nước hiện giờ, giá nhiều mặt hàng, trong đó nguyên vật liệu như thép, dầu tăng cao; ở bên ngoài các nước triển khai các gói kích thích khổng lồ, những yếu tố này sẽ ảnh hưởng thế nào đến lạm phát?

Liên quan tới xuất nhập khẩu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết xuất khẩu vào Hoa Kỳ 5 tháng qua tăng gần 50% so với cùng kỳ 2020. “Khía cạnh tích cực có nhưng quan ngại cũng có khi Hoa Kỳ vẫn đang theo dõi chúng ta về vấn đề thao túng tiền tệ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, giải ngân đầu tư công chậm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng - Ảnh: L.Hiển

Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công đạt kết quả rất cao trong năm 2020 nhưng 5 tháng đầu năm nay mới đạt 26,4%, trong đó 13 bộ chưa giải ngân; 8 bộ, ngành giải ngân dưới 1%; một số địa phương hiện vẫn chưa ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. “Câu chuyện này ảnh hưởng thế nào tới kết quả giải ngân và tăng trưởng GDP của năm nay cũng như các năm tiếp theo?”.

“Vừa qua, Ủy ban Kinh tế giám sát việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam, ngoài vướng mắc giải phóng mặt bằng còn có chuyện thiếu nguyên vật liệu. Giờ giá vật liệu tăng, doanh nghiệp không thi công nữa, cần có biện pháp gì để giải quyết để các dự án trọng điểm quốc gia đáp ứng tiến độ. Cao tốc Bắc Nam đã chậm rồi, nếu chuyện này nữa thì còn chậm nữa, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội thời gian tới”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị các đại biểu phân tích về tình hình nợ xấu, lãi suất, bức tranh doanh nghiệp, diễn biến trên thị trường chứng khoán, bất động sản….

“Dòng tiền chảy mạnh vào bất động sản, chứng khoán có bình thường không trong bối cảnh kinh tế, doanh nghiệp khó khăn như vậy? Nghẽn lệnh xảy ra thường xuyên, nguyên nhân, hệ lụy như thế nào, ảnh hưởng đến uy tín thị trường ra sao? Liệu đã có dấu hiệu của bong bóng bất động sản, bong bóng tài sản chưa?”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu câu hỏi.

Ở khía cạnh xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt vấn đề: “Học sinh học online ra sao, tuyển sinh đầu cấp thế nào? Chảy máu chất xám ở bệnh viện Bạch Mai có gì bất bình thường không? Tình hình thất nghiệp căng thẳng nhưng có hiện tượng lao động ồ ạt rút bảo hiểm một lần, nếu cứ rút hết thì an sinh xã hội như thế nào?”…

Về kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết 142 như thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo. “Đây có phải là vấn đề ảnh hưởng đến cải thiện năng suất lao động, đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 hay không?”.

Bên cạnh đó là vấn đề nhiễm không khí, tính tự chủ của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, vấn đề giảm nghèo…

Phải bảo đảm ổn định vĩ mô

Đồng tình với các nhóm vấn đề Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu ra, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải phân tích kỹ hơn về chất lượng tăng trưởng. “Tăng trưởng có bền vững không? Năm nay rất cao, năm khác rất thấp, như vậy chưa tốt. Khả năng chống chịu của nền kinh tế với các biến cố bên ngoài cũng vậy. Nợ công, nợ nước ngoài… nếu không điều chỉnh lại cách tính GDP thì đều đã chạm ngưỡng Quốc hội cho phép”.  

Một yếu tố nữa cho thấy tăng trưởng chưa bền vững, theo ông Lực, đó là chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài. “Tích cực mà nói, ta cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng làm thế nào để khai thác tốt dòng vốn này hơn”.


TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần bình tĩnh với lạm phát - Ảnh: L.Hiển

Về “câu chuyện của năm nay”, TS. Cấn Văn Lực cho rằng phải đánh giá được tác động của Covid. “Dịch lần này bùng phát mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh nơi chiếm 10% tổng vốn FDI và đóng góp 15% kim ngạch xuất khẩu của các nước sẽ tác động rất mạnh đến 6 khía cạnh: chuỗi cung ứng, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, lao động - việc làm, nợ xấu và thu ngân sách”. Theo tính toán của ông Lực, GDP quý 2 đạt khoảng 5,5% – 5,8%, như vậy tăng trưởng nửa đầu năm vào khoảng 5% và cả năm có thể đạt 6,1% – 6,3%.

Chuyên gia kinh tế này đặc biệt nhấn mạnh diễn biến lạm phát khi giá nguyên vật liệu, giá dầu đều đang trong đà tăng cộng thêm áp lực từ độ trễ của cung tiền, giá cả bất động sản, chứng khoán. “Chắc chắn lạm phát tăng”, ông nói, “nhưng chưa vượt mức Quốc hội cho phép (4% - PV) do sức cầu còn yếu và vòng quay tiền rất chậm”.

Tuy vậy, ông Lực cho rằng, nếu quá lo lắng về lạm phát mà bóp nghẹt nền kinh tế thì cũng để lại nhiều hệ lụy. Thay vào đó, “chúng ta không chủ quan nhưng cũng không nên lo lắng thái quá, cần bình tĩnh và điều tiết hài hòa”.

Diễn biến lạm phát cho thấy tình hình đáng lo ngại về kinh tế vĩ mô, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói. “Chúng ta nói nhiều về mục tiêu kép nhưng cần phải để ý cả khía cạnh ổn định kinh tế vĩ mô. Ổn định vĩ mô không chỉ ở các chỉ số kinh tế mà cả vấn đề lao động, an sinh xã hội”. Ông cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm đánh giá cả 3 trụ cột: phòng chống dịch, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Phân tích khó khăn của doanh nghiệp khi dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 và chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí dịch vụ hậu cần đều tăng mạnh, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần tiếp tục hỗ trợ để doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu và thích nghi với bối cảnh mới. Cụ thể, nên tập trung hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; không ban hành các chính sách làm tăng chi phí, thêm gánh nặng cho doanh nghiệp; đặc biệt là hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là các công nhân, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp trong đợt dịch này... 

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)