Thường trực Ủy ban Kinh tế làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) về tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực.
Cùng dự buổi làm việc có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp…
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN cho biết, ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Qui hoạch điện VII).
Qua 5 năm, trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII và cập nhật các yêu cầu mới, trong đó định hướng phát triển nguồn điện với cơ cấu hợp lý hơn, đặc biệt chú trọng và ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tạo đột phá trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Qui hoạch điện VII điều chỉnh).
Trải qua 9 năm triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII và Qui hoạch điện VII điều chỉnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức những ngành Điện Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo tại buổi làm việc
Hệ thống lưới điện được đầu tư, nâng cấp hằng năm với khối lượng lớn đã đáp ứng yêu cầu đấu nối truyền tải công suất các nguồn điện và nâng cao năng lực cấp điện của toàn hệ thống. Các công trình lưới điện 220-110kV đã được đầu tư đến toàn bộ 63 tỉnh/thành phố, đảm bảo cung cấp điện cho các địa phương, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh… Đáp ứng nhu cầu điện cho các tổ hợp công nghiệp có FDI có quy mô lớn, kịp thời cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, hiện còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Theo đó, việc triển khai đầu tư các dự án điện bị ảnh hưởng bởi quy hoạch các ngành khác, đặc biệt là xây dựng, giao thông, sử dụng đất. Việc xác định địa điểm trạm biến áp, hướng tuyến đường dây… phụ thuộc vào quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị dẫn tới công tác thỏa thuận địa điểm, tuyến đường dây gặp nhiều khó khăn. Về quy hoạch các dự án nguồn điện, dự án phải thực hiện qua nhiều bước như quy hoạch điện lực quốc gia, quy hoạch địa điểm, quy hoạch bậc thang thủy điện… khiến thủ tục kéo dài, khó khăn trong bảo đảm tiến độ. Công tác thu xếp vốn triển khai dự án gặp nhiều khó khăn do các tổ chức tài chính nước ngoài hạn chế tài trợ vốn cho các dự án điện than, đặc biệt dự án có quy mô lớn, trong khi Chính phủ dừng bảo lãnh nguồn vốn vay cho các dự án…
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) nêu kiến nghị tại buổi làm việc
Các tập đoàn kiến nghị Quốc hội bổ sung cho Chính phủ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư; Cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện; Cho phép các dự án điện cấp bách được áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu và giao Thủ tướng Chính phủ quyết định các dự án được áp dụng, bao gồm danh sách các dự án, quyết định lựa chọn nhà thầu ở các giai đoạn và lựa chọn nhà đầu tư…
Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia là cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng cho các cấp quản lý và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện lực xây dựng và phát triển ngành Điện gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước cho phát triển điện, kết hợp với việc nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện để đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội. Do đó, việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực là vô cùng quan trọng.
Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với các công trình chậm tiến độ cũng như nguy cơ thiếu điện do thiếu than và kiến nghị cần xem xét lợi thế của các vùng, địa phương trong lập Quy hoạch điện VIII…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao các báo cáo về tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh của các tập đoàn trong thời gian qua. Các báo cáo đã làm rõ những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp kiến nghị.
Ghi nhận các kiến nghị và các ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong qua trình thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện, thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh của các tập đoàn, Ủy ban Kinh tế sẽ tổ chức phiên giải trình để làm rõ thực trạng, hiệu quả, vấn đề đặt ra, định hướng phát triển ngành điện trong thời gian tới./.