Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 56/2017/QH14, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, các bộ, ngành đã tích cực rà soát, đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, nhất là việc bãi bỏ các thành phần hồ sơ không phù hợp, loại bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó đã có hơn 2.000 kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh đã được Chính phủ giải quyết trong thời gian qua. Điển hình như Bộ Công thương, sau khi rà soát đã ban hành phương án cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh của 27 ngành nghề thuộc lĩnh vực quản lý đạt tỷ lệ 55,5%. Bộ Nông nghiệp đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118/345 điều kiện đầu tư kinh doanh…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư năm 2018 (gọi tắt là Đề án 896), Chính phủ đã ban hành 17 Nghị quyết về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được triển khai nghiêm túc và có hiệu quả tại cơ quan hành chính các cấp ở địa phương, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng nhấn mạnh: Nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, hướng tới xây dựng một Chính phủ điện tử thông suốt từ Trung ương đến địa phương, tăng cường giao dịch trực tuyến, giảm tối đa giấy tờ hành chính, 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai mạng diện rộng WAN. Tỷ lệ cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc đạt 90,95% ở Trung ương, 97,14% ở các sở, ban ngành cấp tỉnh và 90,87% ở UBND huyện….
Trong 3 năm (từ 2016 đến 2018), biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện giảm 12.648 biên chế (giảm 4,6%) so với số giao năm 2015. Bộ Nội vụ cũng đang thực hiện giao biên chế sự nghiệp của Bộ, ngành năm 2018 và thẩm định biên chế sự nghiệp của các địa phương năm 2018 theo đúng chủ trương, bảo đảm đến năm 2021 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân phát biểu ý kiến
Phát biểu tại phiên họp, đa số các ý kiến bày tỏ tán thành với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, báo cáo chưa làm rõ được tác động của việc thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ mà Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ ra, chưa phản ánh tổng thể quá trình triển khai Nghị quyết. Một số nội dung báo cáo còn sơ lược, chưa đầy đủ thông tin, chưa cho thấy những chuyển biến trên thực tế. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho rằng, số liệu về công tác thanh tra kiểm tra chưa có. Điển hình thời gian qua còn có những sai phạm trong công tác tuyển dụng ở một số bộ, ngành địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rất nhiều. Tuy nhiên chưa có số liệu chứng minh cho công tác này. Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Hiển cho rằng, trong lĩnh vực cải cách hành chính, rất nhiều bộ ngành đã cắt giảm được 55-66% các điều kiện kinh doanh nhưng trên thực tế chúng ta chỉ nhìn thấy những con số mà thực chất tác động đến doanh nghiệp là chưa nhiều.
Việc xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyên và cấp xã, đại biểu Trần Văn Quý, đại biểu Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội); Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình cho rằng cần phải có lộ trình, thật thận trọng, khách quan phù hợp theo yêu cầu. Không nên làm đại trà. Việc quy định và áp dụng các tiêu chí không nên cứng nhắc mà bên cạnh các nguyên tắc chung về diện tích tự nhiên và dân số, còn phải quan tâm đến các tiêu chí phần mềm như mức độ đô thị hóa, số đơn vị hành chính trực thuộc, cơ cấu, trình độ kinh tế xã hội, đồng thời cần phải có các tiêu chí riêng phù hợp với từng đơn vị hành chính như về lịch sử, truyền thống, địa lý- tự nhiên, dân cư, kinh tế, văn hóa, chính trị
Đối với việc tinh giản biên chế thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm nguồn chi ngân sách, giảm chi thường xuyên, cải cách tiền lương. Tuy nhiên, khi tinh giản biên chế nên gắn với rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức để có sự điều chỉnh sắp xếp lại bộ máy biên chế, quy định lại nhiệm vụ, quyền hạn cho phù hợp, bảo đảm cơ quan hành chính nhà nước được tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh cồng kềnh bộ máy, ôm đồm về nhiệm vụ.
Các thành viên Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết 56/2017/QH14. Đối với các Luật hiện nay, số lượng dự án trong Chương trình năm 2019 là 26 dự án để bảo đảm tính khả thi của Chương trình (18 dự án đã được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình và 08 dự án liên quan đến tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức phải bổ sung theo các Nghị quyết Trung ương). Do đó, trường hợp Chính phủ đề xuất bổ sung dự án luật mới vào Chương trình thì cần cân nhắc kỹ mức độ, thứ tự ưu tiên của các dự án đã có trong Chương trình để đề nghị rút bớt, lùi thời gian trình các dự án chưa thật sự cấp bách hoặc thực hiện hình thức một luật sửa nhiều luật đối với các luật có nội dung sửa không nhiều.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu
Việc rà soát, thu gọn đầu mối các cơ quan, tổ chức là cần thiết, nhưng cần phải nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng và có cơ sở thực tiễn để bảo đảm tính khoa học, hiệu quả, khả thi, tránh việc thu gọn một cách cơ học mà số lượng biên chế, tổ chức bên trong vẫn cồng kềnh, chồng chéo.
Đối với việc thực hiện nguyên tắc một việc chỉ do một cơ quan chủ trì: đây là vấn đề phức tập, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của nhiều cơ quan, nên việc triển khai vừa phải đồng bộ, triệt để nhưng cũng cần phải có lộ trình và bước đi thích hợp, tránh gây xáo trộn bộ máy quá lớn, đột ngột, tạo ra khoảng trống hoặc sự chồng chéo về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu, để cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, bảo đảm xử lý một cách đồng bộ, toàn diện. Trường hợp cần thiết đề nghị Chính phủ xem xét cân nhắc việc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định một số nội dung liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đặc biệt là những tiêu chí gắn với các yếu tố đặc thù về lịch sử,địa lý, tự nhiên, dân số khi tiến hành sắp xếp cũng như về cách thức, trình tự, thủ tục lập đề án về việc lấy ý kiến nhân dân; việc thông qua đề án theo trình tự rút gọn để thuận tiện đơn giản hóa việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức sau khi sáp nhập.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định kết luận
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Chính phủ đã nghiêm túc trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Ủy ban Pháp luật tiếp tục tiếp thu, tổng hợp ý kiến để hoàn thiện báo cáo thẩm tra, đồng thời đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành địa phương tiếp tục lấy số liệu cụ thể, toàn diện về việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước để Ủy ban Pháp luật làm căn cứ tổng hợp tại báo cáo thẩm tra; tiếp tục thực hiện rà soát các văn bản luật và dưới luật các vấn đề liên quan để việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.