CẦN CÓ TỔNG KẾT ĐÁNH GIÁ VIỆC BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN QUY ĐỊNH CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19

06/09/2021

Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2021 của Thường trực Ủy ban Pháp luật vào sáng 06/9, các đại biểu quan tâm đến bối cảnh năm 2021 dưới tác động của đại dịch COVID-19, do đó cần có tổng kết, đánh giá bổ sung các nội dung này một cách toàn diện, đầy đủ.

 

Thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thi hành Hiến pháp và Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ Báo cáo tình hình Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2021

Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành các hoạt động để thi hành Hiến pháp,luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một cách kịp thời, hiệu quả. Mặc dù năm 2021 là năm Chính phủ chuyển giao theo nhiệm kỳ Quốc hội nhưng Chính phủ vẫn giữ vững và phát huy phương châm hành động đã được đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP trong năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với các trọng tâm chỉ đạo, điều hành.

Trong năm 2021, gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng với chủ trương, đường lối sáng suốt của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết đã đạt những kết quả tích cực. Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện hơn, công tác tổ chức thực thi pháp luật này càng được coi trọng.

Về cơ bản, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật được các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả; Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đưa luật, pháp lệnh, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày tóm tắt báo cáo số 310/BC-CP của Chính phủ về tình hình Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2021

Bên cạnh các đánh giá như thông lệ về công tác chỉ đạo điều hành, công tác tuyên tuyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật, việc tuân thủ quy định Hiến pháp, pháp luật, tình hình xây dựng ban hành văn bản quy định chi tiết, việc bảo đảm nhân lực, kinh phí cho xây dựng, thi hành pháp luật… các đại biểu đặc biệt quan tâm đến bối cảnh của năm 2021 và việc ban hành các quy định trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, để kịp thời kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, Quốc hội đã bám sát tình hình thực tế và kịp thời quyết định bổ sung Nghị quyết kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV nội dung nhằm tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19, kịp thời kiểm soát , ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Ngay trong đêm 06/8/2021, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Trên cơ sở quyết định đúng đắn, kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch, bệnh COVID-19. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân, sự ứng phó linh hoạt, kịp thời trong điều hành của Chính phủ để cùng cả hệ thống chính trị quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe Nhân dân, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điểm sáng cần phát huy trong giai đoạn tới để huy động cao độ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế, bảo đảm nâng cao chất lượng công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên đây cũng là hoạt động chưa từng có tiền lệ, trong đó có nhiều biện pháp có tác động đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Do đó, trong quá trình triển khai cần chỉ đạo chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để vừa đạt mục tiêu chống dịch, phục họi kinh tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và nâng cao niềm tin Nhân dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại phiên họp

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy, báo cáo của Chính phủ cần gắn với đặc điểm tình hình của năm 2021 chịu nhiều tác động của dịch bệnh COVID-19. Từ khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một loạt văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ, Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã cho phép Chính phủ ban hành các biện pháp khẩn cấp mang tính quy phạm nhưng thể hiện dưới hình thức không phải  quy phạm pháp luật. Do đó, trong năm 2021 ngoài đánh giá về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cũng cần có đánh giá cụ thể về việc các biện pháp, giải pháp phòng chống dịch bệnh có tính chất quy phạm. Khi thảo luận thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15, Quốc hội cũng đã nêu yêu cầu Chính phủ phải rà soát, tổng kết, đánh giá về vấn đề này để từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, năm 2021 số lượng văn bản chỉ đạo, điều hành, đưa ra các quy định rất nhiều không chỉ ở Trung ương, bộ, ngành mà cả ở địa phương. Phần lớn các văn bản đều có hiệu lực thi hành ngay, không có thời gian để tổ chức tuyên truyền, phổ biến để người dân có thể nắm bắt thông tin, quy định. Nhiều văn bản ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của người dân và doanh nghiệp nhưng công tác thông tin phổ biến các quy định có rất nhiều bất cập. Thời gian qua người dân, doanh nghiệp rất khó nắm bắt đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành, các văn bản về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở trung ương và địa phương, nhất là quy định khác nhau giữa các địa phương. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thi hành Hiến pháp, pháp luật, cũng như tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp và xã hội. Do đó cần có đánh giá thực tiễn một cách cụ thể.

Kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ qua thảo luận sôi nổi, khách quan, đánh giá toàn diện các vấn đề đặt ra trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo; ghi nhận việc triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, việc ban hành văn bản quy định chi tiết có những tiến bộ so với những năm trước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cần có thêm nội dung đánh giá bối cảnh, tình hình của năm 2021 là năm có nhiều sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-1026; kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, chuyển giao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sang khóa XV cùng với đó là tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác chỉ đạo, điều hành, hoạt động của các cơ quan trung ương và đời sống người dân, trong đó có công tác triển khai thi hành Hiến pháp, pháp luật. Qua đó thấy được nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương trong triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết vẫn được quan tâm thực hiện, đảm bảo yêu cầu bên cạnh nhiều nhiệm vụ chính trị đặt ra phải hoàn thành. Mặt khác, trong bối cảnh đó cũng cho thấy được những tồn tại, bất cập trong triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Quốc hội trao quyền chủ động mạnh mẽ cho Chính phủ, Chính phủ tích cực triển khai và việc cụ thể tại các địa phương cũng rất đa dạng. Nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh được quy định trong nhiều văn bản từ nghị quyết đến Chỉ thị, thậm chí công điện, công văn. Mặc dù Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội cho phép, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng không nên lạm dụng thẩm quyền này mà những nội dung nào có thể ban hành trong văn bản quy phạm pháp luật thì nên quy định trong văn bản quy phạm pháp luật theo quy trình rút gọn để vẫn bảo đảm tính khẩn trương, kịp thời. Song song với quá trình đó, các cơ quan cần có tổng kết, đánh giá để có đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Khám, chữa bệnh, Luật Đấu thầu…nhằm đảm bảo pháp chế./.

Bảo Yến