Toàn cảnh Phiên họp.
Thẩm tra Báo cáo Tổng kết công tác của Chính phủ, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tình hình trong nước và thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lụt và đặc biệt là đại dịch Covid 19. Năm 2020, trong bối cảnh xảy ra đại dịch Covid 19 nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự chủ động, quyết liệt và các giải pháp đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, nước ta trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới duy trì được tăng trưởng dương, bảo đảm an sinh xã hội.
Góp ý vào các nội dung cụ thể của Báo cáo, đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ làm căn cứ, cơ sở để bố trí bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ tới. Đại biểu cho biết, Điều 2, Luật Tổ chức Chính phủ mới chỉ quy định chung về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ khác nhau nên cần đánh giá cơ cấu tổ chức của nhiệm kỳ 2016 - 2021 để đề xuất xây dựng mô hình tổ chức của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới có hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền cũng cho biết, qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả” cho thấy, nhiều ý kiến đề xuất cần thành lập thêm các bộ, như Bộ Thanh niên, Công tác quản lý phụ nữ, Biển đảo. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn tình trạng trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của bộ các bộ ngành như giữa Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước… Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đi sâu nghiên cứu, phân tích, đánh giá thêm về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, tổ chức theo cấp độ nào, mô hình như hiện nay đã thật sự phù hợp hay chưa?
Cũng tại Phiên họp, một số ý kiến đại biểu cho rằng quá trình sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính trong từng giai đoạn của đất nước ở một mức độ nhất định đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội, nâng tỷ lệ đô thị hóa, hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước ngày càng được nâng cao, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân được bảo đảm. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần bổ sung vào Báo cáo trong đó đánh giá hiệu quả bước đầu của việc sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính trong cả nước, không nên cứng nhắc trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Bên cạnh đó cũng cần đánh giá về hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện Chính phủ điện tử để giảm thủ tục hành chính phiền hà cho người dân.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cần có các giải pháp nâng cao nhận thức triển khai thi hành pháp luật của các cấp chính quyền và người dân.
Về cải cách thể chế, đại biểu Bùi Văn Xuyền khẳng định, thời gian qua Chính phủ đã chủ động rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế, chủ động kiến thiết các cơ chế, chính sách, pháp luật, khơi thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đại biểu bày tỏ đồng tình nhận định trong Báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thực hiện thể chế ở các bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế; đề nghị trong Báo cáo của Chính phủ cần nêu rõ nguyên nhân, giải pháp nhất là các giải pháp nâng cao nhận thức triển khai thi hành pháp luật của các cấp chính quyền và người dân.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum nhấn mạnh, nhằm hoàn thiện thể chế, khung pháp lý cho mọi hoạt động của đất nước, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến thông qua 72 luật, bộ luật (gồm cả sửa đổi và ban hành mới). Với tư cách là chủ thể quan trọng trong việc trình các dự án luật, bộ luật, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trình và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật, chất lượng các luật cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng pháp luật, vẫn còn tình trạng không ổn định (xin rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng đề nghị Chính phủ đánh giá về hiệu quả hoạt động sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính tại các địa phương.
Bên cạnh đó, tại Phiên họp, nhiều đại biểu cũng đề cập tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa khắc phục triệt để, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ để rút kinh nghiệm trong nhiệm kỳ tới.
Về đầu tư công, đại biểu Tô Văn Tám đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gắn với đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình quan trọng quốc gia, được nhân dân đánh giá cao, góp phần không nhỏ vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri, nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng, hiệu quả của một số công trình, dự án đầu tư công chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc thêm về tính hiệu quả của các dự án đầu tư công thời gian qua để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần có phân tích, đánh giá và nêu mục tiêu cụ thể hơn về liên kết vùng. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, mặc dù Chính phủ đã đưa ra các giải pháp, chính sách thúc đẩy liên kết vùng nhưng hiệu quả trên thực tế chưa cao, do chưa phân công người chịu trách nhiệm điều hành các vùng nên không có sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng. Vì vậy, nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể hơn nữa để tạo sức mạnh, sự liên kết các vùng để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.
Cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Chính phủ và các ý kiến trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ của thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, năm cuối nhiệm kỳ Việt Nam chịu tác động rất lớn bởi thiên tai, dịch bệnh, ngập lụt, hạn hán, nhưng cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức đạt được kết quả tích cực. Mặc dù đất nước gặp nhiều khó khăn, nhưng lần đầu tiên Chính phủ đã xây dựng trình Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đại biểu cho rằng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ cần làm rõ thêm về việc tích hợp 118 chính sách trở thành một chương trình mục tiêu Quốc gia, đầu tư phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cử tri đánh giá cao những quyết sách đã được ban hành và mong muốn Chính phủ trong quá trình phân bổ kinh phí hàng năm ưu tiên phân bổ đủ nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia, khắc phục tình trạng chính sách nhiều nhưng nguồn lực lại thiếu, có như vậy mới đảm bảo thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với vùng đồng bằng…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận nội dung thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Kết luận nội dung thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, các ý kiến tại Phiên họp cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của thường trực Ủy ban Pháp luật. Các ý kiến đều khẳng định, thời gian qua tình hình kinh tế xã hội diễn biến phức tạp, cơ hội, thuận lợi đan xen với thách thức, tác động lớn đến đời sống người dân. Nhưng với sự quyết tâm, lãnh đạo sát sao của Đảng, sự đồng hành của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã điều hành năng động, sáng tạo, tận dụng cơ hội khắc phục khó khăn, đảm bảo các mục tiêu kinh tế xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh.
Bên cạnh đó, các ý kiến của thành viên Ủy ban Pháp luật tại Phiên họp đã nhấn mạnh, làm rõ thêm về thành tích, tồn tại và phương hướng giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật, đánh giá hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, ưu tiên phân bổ nguồn lực thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn công tác xây dựng thẻ chế, khắc phục những tồn tại,hạn chế trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật./.