Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi)

19/08/2015

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40, sáng 18/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi) và Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều hoan nghênh và đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo cũng như Ủy ban Pháp luật trong việc tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời đưa được nhiều điểm mới vào dự thảo luật lần này.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề lớn được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến gồm: phạm vi điều chỉnh; về ban quản lý khai thác cảng; về quyền vận tải nội địa, cảng biển và luồng hàng hải…

Tránh chồng chéo chức năng giữa Ban quản lý cảng và Cảng vụ

Băn khoăn về việc chồng chéo chức năng giữa Ban quản lý Cảng và Cảng vụ, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cảng vụ là cơ quan quản lý nhà nước, cánh tay nối dài từ Cục hàng hải xuống và đặt tại cảng. Phó chủ tịch cho biết, hiện nay vẫn có mô hình cảng vụ. Trong khi đó, sắp tới chúng ta áp dụng mô hình Ban quản lý khai thác cảng thì có cần cảng vụ nữa hay không? Còn nếu vẫn duy trì mô hình cảng vụ thì luật cần phải quy định như thế nào?

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, giữa chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý và khai thác cảng và cảng vụ Luật quy định còn chưa rõ ràng. Cảng vụ hàng hải có chức năng, nhiệm vụ  "là cơ quan trực thuộc cơ quan nhà nước chuyên ngành hàng hải, có nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và khu vực được giao", tức là cơ quan nhà nước về cảng biển, nhưng nhiệm vụ chỉ được tham gia xây dựng quy hoạch. Còn Ban quản lý cảng thì vừa có chức năng quản lý nhà nước, vừa có chức năng kinh doanh, bản chất của cơ quan này là ban quản lý khai thác hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vậy đây 100% là doanh nghiệp chứ không phải quản lý nhà nước. Nếu quản lý nhà nước thì lại chồng chéo, bởi doanh nghiệp 100% vốn điều lệ lại làm quy hoạch. Do đó, Chủ nhiệm Văn phòng đề nghị cơ quan soạn thảo phải xem xét rành mạch quy định này để không vướng mắc khi áp dụng.

Góp ý về vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho biết, trên thực tế, nhiều nước đã tổ chức mô hình Ban quản lý và khai thác cảng vụ và rất có hiệu quả... Tuy nhiên, Trưởng ban Nguyễn Đức Hiền đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa Ban quản lý và khai thác cảng với các cơ quan hữu quan khác vì lo ngại sẽ có sự chồng chéo.

Giải trình thêm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, Ban quản lý và khai thác cảng hoàn toàn độc lập với các cảng vụ, có hay không có Ban quản lý khai thác cảng thì các cảng vụ vẫn tồn tại. Chính quyền cảng là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao. Còn Cảng vụ là quản lý tàu ra tàu vào, làm nhiệm vụ cấp phép cho tàu ra, tàu vào cảng, thuần túy như vậy thôi”.

Bảo hộ quyền vận tải nội địa

Về quyền vận tải nội địa có nên độc quyền hay vẫn để theo cơ chế thị trường, để mọi thành phần kinh tế được tham gia, có ý kiến tán thành với quy định này như trong Điều 8 của Bộ luật. Cụ thể, hàng hóa, hành khách và hành lý vận chuyển nội địa bằng đường biển phải được chuyên chở bằng tàu biển Việt Nam trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này vì cho rằng quy định này là cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia, góp phần phát triển đội tàu biển trong nước. Điều này nhằm kế thừa quy định của Bộ luật hiện hành và không trái với điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định bảo hộ vận tải nội địa, nhất là trong nền kinh tế hội nhập.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn không rõ việc bảo hộ vận tải nội địa vì lợi ích quốc gia ở đây là lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng hay trật tự, an toàn xã hội... Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, nếu thế giới mở cửa mà nước ta lại bảo hộ thì có nên không?  Theo đại biểu, cần cân nhắc và xem kỹ lại vấn đề này.

Phát biểu tại phiên họp về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, thực tế nhiều nước đều bảo hộ quyền vận tải nội địa, chỉ cho doanh nghiệp và thành phần kinh tế nước ngoài tham gia vào một số khâu nếu khả năng, năng lực của vận tải biển trong nước không bảo đảm được.

Tại phiên họp, phạm vi điều chỉnh của Bô luật cũng được các đại biểu quan tâm cho ý kiến, Ủy ban Pháp luật cho rằng, Bộ luật Hàng hải chủ yếu điều chỉnh các đối tượng hoạt động hàng hải thương mại. Còn đối với tàu cá, giàn di động, ụ nổi, phương tiện thủy nội địa, tàu quân sự, cảng quân sự, cảng cá, cảng thủy nội địa đã được điều chỉnh trong các luật khác, như Luật thủy sản, Luật giao thông đường thủy nội địa... Do đó, không thể đưa về điều chỉnh tất cả trong Bộ luật Hàng hải được, nên cần có quy định loại trừ ở phạm vi điều chỉnh.

Kết luận buổi họp, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị, Ủy ban Pháp luật phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải rà soát để tu chỉnh lại luật này, tiến tới trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Nguyễn Phương-Hồ Hương