Quốc hội thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

22/06/2015

Sáng 22/6, với 439/446 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 88,87%, Quốc hội đã thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, ngày 22/5/2015, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật. Đồng thời cũng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

                                                                                                                                                                                     Ảnh: Nam Nguyễn

Cơ bản tán thành với Báo cáo trên, đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 17 Chương và 175 Điều.

Theo đó, đã có 446 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, chiếm tỷ lệ 90,28% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu Quốc hội tán thành là 439 (tỷ lệ 88,87%). Không tán thành là 6 (tỷ lệ 1,21%) và không biểu quyết là 1 (tỷ lệ 0,2%).

Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ quy định nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Luật này không quy định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.

Theo quy định trong Luật này, văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật sẽ gồm 15 loại như: Hiến pháp; Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã…

Bên cạnh đó, sau khi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, những văn bản quy phạm pháp luật bao gồm thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ thị của Ủy ban nhân dân các cấp được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc bị thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Những quy định về thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, người có thẩm quyền được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ bằng văn bản khác hoặc bị thay thế bằng thủ tục hành chính mới.

Quang Minh