Cần thống nhất việc áp dụng tập quán, án lệ trong tố tụng dân sự

25/08/2015

Sáng 25/8, cho ý kiến về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu chuyên trách, mặc dù đa số các đại biểu đều nhất trí với quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tuy nhiên, việc áp dụng án lệ, tập quán, lẽ công bằng trong xét xử các tranh chấp dân sự khi chưa có luật định là vấn đề còn nhiều đại biểu băn khoăn, đề nghị Quốc hội nghiên cứu và có quy định cụ thể, thống nhất hơn về vấn đề này.

Đại biểu Phạm Xuân Thường phát biểu tại Hội nghị                                                                             Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Y Thông-Phú Yên cho biết, Việt Nam có 54 dân tộc anh em, hiện nay các hộ gia đình đa phần có 2 thành phần chung sống lẫn với nhau, nếu tính 3 thế thệ thì có 3 thành phần. Đại biểu cho rằng, trong trường hợp xảy ra tranh chấp trong một hộ gia đình có 2, 3 thế hệ chung sống, mà chúng ta áp dụng tập quán thì chắc hẳn sẽ có sự mâu thuẫn giữa các thế hệ khác nhau. Từ đó, nếu giao cho ý chí chủ quan của thẩm phán để phán xét áp dụng tập quán của dân tộc này hay dân tộc kia để giải quyết tranh chấp thì sẽ dễ sinh ra tiêu cực. Trong các trường hợp tranh chấp như thế này nếu áp dụng tập quán là rất khó. Do đó, đại biểu Y Thông đề nghị trong luật nên quy định và công bố cụ thể tập quán nào thường áp dụng nhiều nhất, rộng rãi nhất để thẩm phán dễ áp dụng.

Đại biểu Bùi Văn Phương-Ninh Bình cũng hoàn toàn đồng ý với việc quy định tòa không được từ chối giải quyết các tranh chấp dân sự của người dân ngay khi chưa có điều luật quy định. Nhưng đại biểu cho biết, tập quán là vấn đề vô cùng rộng, nhất là trong bối cảnh các thành phần dân cư sống xen kẽ với nhau thì việc áp dụng tập quán, án lệ, lẽ công bằng, tương tự pháp luật để giải quyết tranh chấp dân sự theo như quy định trong dự thảo là rất khó khăn.

Do đó, đại biểu đề xuất, với những vụ việc nếu không mang tính phổ biến thì khi tòa nhận được yêu cầu đó, nếu đối chiếu trong điều luật không có, tòa án đó phải đề xuất hướng giải quyết, gửi lên Tòa án nhân dân tối cao - nơi tập trung những người có trình độ cao, cụ thể là Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao để có hướng dẫn. Nếu sau này đưa ra xét xử, vụ việc ấy sẽ được coi như một nguồn luật để đảm bảo thống nhất ở đâu xử cũng như thế. Bởi nếu không có quy định thì mỗi người hiểu khác nhau và sẽ làm khác nhau.

Đại biểu Bùi Văn Phương nhấn mạnh thêm, nguyên tắc Tòa án không được từ chối giải quyết các khiếu kiện của dân là đúng rồi, dân không tự giải quyết được thì mới phải nhờ đến nhà nước, khi đó, nhà nước phải có trách nhiệm tiếp nhận, nhưng phải giải quyết theo quy trình, không để tùy tiện áp dụng, dẫn đến tình hình phức tạp hơn.

Phát biểu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Phạm Xuân Thường-Thái Bình cho rằng, việc áp dụng án lệ, tập quán, lẽ công bằng trong xét xử các tranh chấp dân sự khi chưa có luật định là quan điểm rất văn minh nhưng trong giai đoạn hiện nay của đất nước ta là chưa phù hợp, vì dân tộc ta có rất nhiều phong tục tập quán, nhưng cái nào là phù hợp với pháp luật, cái nào không phù hợp cho đến nay chưa có câu trả lời, chưa ai áp dụng phong tục, tập quán để giải quyết các tranh chấp dân sự. Đại biểu cho rằng, nếu đưa quy định này vào luật sẽ gây khó khăn không chỉ cho cơ quan tòa án mà khó cho cả người dân. Bởi vậy, đại biểu Phạm Xuân Thường đề nghị, ban soạn thảo nghiên cứu và có quy định cụ thể, thống nhất hơn về vấn đề này.

Nguyễn Phương