SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ VÀ LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

18/01/2019

Ngày 18/01, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Trí Thức và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đồng chủ trì Hội nghị

Hội nghị lấy ý kiến về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương được Quốc hội ban hành ngày 19/6/2015. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện, bên cạnh các kết quả đạt được, một số quy định hiện hành của hai Luật này cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Theo Tờ trình số 4254/TTr-BNV ngày 17/8/2018 của Bộ Nội vụ, Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành còn tồn tại một số vấn đề như chưa làm rõ nội hàm về “tính thống nhất quản lý nhà nước” của Chính phủ đối với các tổ chức trong bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đã hạn chế việc đẩy mạnh phân công, phân cấp trong quản lý lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước; Việc giao Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã làm giảm tính chủ động, linh hoạt của địa phương trong việc tổ chức và thành lập các cơ quan chuyên môn phù hợp với điều kiện, đặc điểm và yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương; Việc giao Chính phủ có thẩm quyền quyết định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước làm giảm tính kịp thời trong chỉ đạo điều hành; Nội dung quy định thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ trong việc bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, điều động, cách chức, cho từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, công chức tại Luật tổ chức Chính phủ chưa thống nhất với một số các quy định của Đảng và của pháp luật về cán bộ, công chức hiện nay…

Còn đối với Luật Tổ chức Chính quyền địa phương còn tồn tại những vấn đề như: Một số nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa được quy định rõ, vẫn còn một số nhiệm vụ cả cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cấp huyện, cấp xã cùng thực hiện nhưng chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp trong quản lý.; Việc tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách đã làm tăng biên chế của chính quyền địa phương; Việc quy định “cứng” số lượng Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã làm giảm tính linh hoạt và chủ động trong bố trí, sử dụng nhân sự trên địa bàn của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp tỉnh; Luật không quy định Hội đồng nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã chưa phù hợp với thực tiễn, nhiều địa phương vẫn yêu cầu phải quy định thẩm quyền này cho Hội đồng nhân dân cấp xã…

Để khắc phục những vướng mắc, bất cập nêu trên và kịp thời thể chế hoá tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, việc ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương là cần thiết.

Tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội, nguyên Đại biểu Quốc hội, đại diện các Bộ, Ngành trung ương và một số cơ quan chính quyền địa phương đã tập trung thảo luận các nội dung xung quanh các chính sách mà Chính phủ đề xuất khi sửa đổi, bổ sung hai luật nêu trên. Cụ thể 7 chính sách đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; 5 chính sách đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính quyền địa phương liên quan đến việc phân quyền, phân cấp, uỷ quyền giữa các cơ quan của chính quyền địa phương các cấp; quy định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương và nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương, phương thức hoạt động của chính quyền địa phương và một số vấn đề liên quan đến nhập, giải quyết tranh chấp đơn vị hành chính.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội, dự kiến sẽ thảo luận và thông qua tại hai kỳ họp Quốc hội năm 2019./.

Quang Anh