Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện công an huyện Bình Chánh thông báo về tình hình đăng ký cư trú và quản lý đăng ký cư trú; quy định riêng đối với điều kiện đăng ký thường trú; công tác cấp số định danh cá nhân; khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định của luật về cư trú....
Đại úy Trần Ngọc Trí, Phó Trưởng Công an xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, cho biết: “Hiện thời theo quy định của Luật là không được xóa đăng ký thường trú với các nhân khẩu đã bỏ đi lâu rồi, việc này tạo số lượng theo danh sách của xã rất lớn. Việc xác định các nhân khẩu này bây giờ đang ở đâu, làm gì rất khó khăn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh, ý kiến: “Luật cư trú hiện hành đòi hỏi chúng ta cần phải có cơ chế đặc thù như thế nào cho thành phố chúng ta, ví dụ như quản lý các cấp, nhân sự, tài chính và các quyền lợi khác cho thành phố. Hiện nay mình tiếp nhận dân các tỉnh đến cũng có lợi ích nhưng về cơ sở hạ tầng mình không theo kịp”.
Tham gia đóng góp ý kiến, Thượng tá Trần Đức Thắng, Phó Trưởng Công an huyện Bình Chánh cho biết, nếu Luật Cư trú ( sửa đổi) bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương sẽ dẫn đến áp lực gia tăng dân số trên các địa bàn. “Theo tôi nghĩ việc đăng ký thường trú nên thống nhất trên toàn quốc, không cần quy định theo từng thành phố riêng biệt. Dân số tăng là vì nhu cầu việc làm, cuộc sống ở địa phương đó có thì người ta đến. Từ trước giờ mình vẫn có quy định này đặc thù tại TP. Hồ Chí Minh nhưng dân số đâu có giảm, vẫn tăng bình thường” - Thượng tá Trần Đức Thắng nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Trương Minh Hoàng phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng cho biết, UBND huyện Bình Chánh cần tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung các nội dung về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sớm gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh, Ủy ban Pháp Luật để tổng hợp, trình Quốc hội trong kỳ họp tới./.