GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

28/08/2021

Sáng 28/8, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Ts. Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo dưới hình thức trực tuyến.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - ngân sách, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội; một số vị ĐBQH và các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, thể thao du lịch, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Tòa án nhân dân tối cao. Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung  vào các năm 2009 và năm 2019) đã tạo lập môi trường pháp lý hữu hiệu nhằm phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với thực tiễn gian qua và đáp ứng chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ. Qua 15 năm thi hành, trước sự vận động, phát triển nhanh chóng của các quan hệ kinh tế -xã hội trong nước, khu vực và trên thế giới, nhất là những cơ hội và thách thức do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số mang lại, một số quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đã bộc lộ bất cập cần được kịp thời tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung nhằm tạo động lực, môi trường thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đồng thời thực thi các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề trọng tâm của dự  thảo Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, chú trọng làm rõ mức độ đáp ứng yêu cầu khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, tính khả thi của dự thảo Luật; Tính thống nhất của dự thảo Luật với quy định của các luật có liên quan và đề xuất phương án hoàn thiện;…

Cho ý kiến đối với các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan, ông Đặng Dương Anh, Luật sư Thành viên Cao cấp, Công ty luật TNHH Quốc tế Việt Nam đưa ra nhiều góp ý cụ thể vào các điều, khoản trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ông Đặng Dương Anh cho rằng, tại khoản 2 Điều 22, cần có tiêu chí để có thể xác định “tính sáng tạo” của việc sưu tập dữ liệu. Theo quy định hiện tại, tính sáng tạo thể hiện “sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác”, như vậy liệu rằng việc một người chỉ đơn giản là sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái thì có được gọi là sáng tạo hay không?. Đối với quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 50, dự thảo đã loại bỏ trường hợp tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan người được ủy quyền ký tên. Quy định này có thể gây ra nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị và nộp hồ sơ trên thực tiễn. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc giữ lại quy định cho phép người được ủy quyền có thể ký tên vào Tờ khai đăng ký.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến

Kiến nghị hoàn thiện dự thảo đối với các quy định về quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ NSNN hoặc một phần ngân sách, Luật sư Đinh Nhật Quang, Công ty Luật TNHH Một thành viên Leadco cho rằng, cần bổ sung vào Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 nội dung giải thích các thuật ngữ “ủy quyền”, giao quyền”’; đồng thời, quy định, hướng dẫn cụ thể và thống nhất 02 thuật ngữ trên trong các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tránh sự hiểu và áp dụng không thống nhất sau này. Bên cạnh đó, Luật sư Đinh Nhật Quang cũng đề xuất: Cần quy định rõ về các cơ quan đại diện Nhà nước có thẩm quyền hay có quyền được giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì; Bổ sung quy định về thời hạn mà tổ chức chủ trì phải thực hiện quyền đăng ký được Nhà nước giao; Cần nghiên cứu, quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm pháp lý khi bên được giao quyền là tổ chức chủ trì có vi phạm pháp luật;…

Ths.Vũ Thúy Hòa, Phó Tổng biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân tối cao, đánh giá cao dự thảo Luật được xây dựng một cách bài bản, kỹ lưỡng, cập nhật nhiều kinh nghiệm quốc tế và đã bao quát một cách khá đầy đủ những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn thi hành luật, đáp ứng được yêu cầu của việc hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Ths. Vũ Thúy Hòa cho rằng,  hiện tại trong thực tiễn giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến quyền tác giả cho thấy, các quy định liên quan đến đồng tác giả còn tương đối hạn chế. Trong khi đó, việc xác định đồng tác giả tạo ra hệ quả pháp lý quan trọng đối với các quyền nhân thân và quyền tài sản của chủ thể. Vì vậy, đề nghị cần quan tâm để có quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng và linh hoạt hơn về vấn đề pháp lý quan trọng này. Ths. Vũ Thúy Hòa  nhấn mạnh, một trong những nội dung cần được quan tâm, đó chính là phải xấy dựng được tiêu chí để trở thành đồng tác giả. Việc xác định rõ các tiêu chí không những tạo điều kiện cho quá trình áp dụng pháp luật được thống nhất mà còn góp phần quan trọng để bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể tham gia quá trình sáng tạo.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu đều tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, để việc sửa đổi được chuẩn xác, đảm bảo chất lượng, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi làm rõ một số quy định về quyền tác giả; quyền đối với giống cây trồng; bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng; quyền sở hữu công nghiệp… Đồng thời, tiến hành rà soát toàn bộ các Hiệp định song phương và đa phương, cũng như các bộ luật để bảo đảm hài hòa và thống nhất giữa các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy phạm pháp luật khác, tránh sự trùng lặp hay xung đột trong áp dụng luật.

Kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, khẩn trương, nghiêm túc Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ” đã diễn ra thành công và hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, đây là hội thảo đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến do các cơ quan của Quốc hội khóa XV phối hợp tổ chức nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, khoa học trong lĩnh vực xây dựng luật.

Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định, đây sẽ là nguồn thông tin quý báu, bổ ích phục vụ thiết thực cho công tác thẩm tra dự án Luật, cung cấp thêm cơ sở khoa học và thực tiễn giúp làm rõ các nội dung đang được đề nghị hoặc cần được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, nhằm tham mưu có hiệu quả để Ủy ban Thường vụ Quốc hội  cho ý kiến về dự án Luật này tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021)./.

Lê Anh - Minh Hùng