Toàn cảnh phiên họp
Tham dự có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Về phía các cơ quan của Quốc hội có các Uỷ viên Thường trực, Uỷ viên chuyên trách của Uỷ ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội. Về phía các cơ quan, ban ngành có: đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI; đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính…
Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi)
Trình bày Tờ trình tóm tắt về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định sự cần thiết ban hành Luật và cho biết, sau 8 năm thi hành, Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở, góp phần cụ thể hoá các chính sách liên quan đến lĩnh vực nhà ở như: sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở, quản lý nhà nước về nhà ở. Đặc biệt là chính sách nhà ở xã hội trong Luật đã khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia phát triển nhà ở xã hội, góp phần giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, đa dạng hoá nguồn cung nhà ở, giúp cho hàng triệu người dân có khó khăn về nhà ở, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị tự taọ lập được chỗ ở hợp pháp và ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, pháp luật nhà ở cũng đã xuất hiện những bất cập, hạn chế, tồn tại và cần được xem xét để xây dựng Luật thay thế Luật Nhà ở năm 2014.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mục đích xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hoá kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Đồng thời sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với các luật khác có liên quan.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương, 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều và có một số điểm mới như: Chương I - Những quy định chung, bổ sung các khái niệm mới như: Nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp; nhà lưu trú công nhân; chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở; thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở. Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm mới như sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc tiền mua nhà ở trả trước cho phát triển nhà ở…. Về Chương II - Sở hữu nhà ở, bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư. Về chính sách nhà ở xã hội, sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về: đối tượng, hình thức và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; bổ sung thêm các quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội; bổ sung mới các quy định về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân…
Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung Báo cáo kinh nghiệm pháp luật quốc tế về nhà ở gắn với các chính sách mới trong dự thảo Luật
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở và nhận thấy, về cơ bản, các tài liệu trong Hồ sơ đã bảo đảm theo yêu cầu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, về nội dung cụ thể của Hồ sơ, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đầy đủ, toàn diện Báo cáo kinh nghiệm pháp luật quốc tế về nhà ở gắn với các chính sách mới trong dự thảo Luật; đồng thời làm rõ dự thảo Nghị định đã quy định chi tiết đầy đủ 41 nội dung Luật giao Chính phủ chưa, bổ sung các dự thảo văn bản quy định.
Về thời hạn sở hữu nhà chung cư (Điều 25 của dự thảo Luật), Chính phủ đề xuất bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Qua nghiên cứu, thảo luận có 02 loại ý kiến về vấn đề này như sau:
- Loại ý kiến thứ nhất: Một số ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật với các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
- Loại ý kiến thứ hai: Nhiều ý kiến không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương
Về vấn đề này, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giải trình, làm rõ một số nội dung sau đây: (1) Một số nội dung của Chương trình phát triển nhà ở, như điểm c và điểm đ khoản 1 Điều 31 là các yêu cầu quản lý quả cụ thể, có thể gây ra tình trạng can thiệp hành chính sâu vào quan hệ thị trưởng bất động sản, nếu bị lạm dụng có thể trở thành “quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm, được sản xuất, tiêu thụ" đã bị cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Quy hoạch; (2) Một số nội dung trùng lặp, chồng chéo với các nội dung của quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy hoạch tỉnh đang được quy định tại Luật Quy hoạch, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật.
Liên quan đến chính sách phát triển nhà ở xã hội, về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội (Điều 80 của dự thảo Luật), Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật, tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch, khả thi, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội, tránh việc các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho nội dung này, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu chính sách.
Đảm tính mạng, sức khoẻ của người sử dụng căn hộ chung cư cần được đặt lên hàng đầu
Qua thảo luận, đa số các ý kiến tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), đồng thời bày tỏ thống nhất với Tờ trình của Chính phủ cũng như dự thảo Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật về dự án Luật này.
Góp ý về vấn đề sở hữu nhà chung cư, qua nghiên cứu thận trọng quy định này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho rằng, đề xuất này có nhiều điểm hợp lý vì như Tờ trình của Chính phủ đã phân tích. Dự thảo lần này đã quy định cụ thể hơn nhiều nội dung để hạn chế các tranh chấp xảy ra giúp nhà chung cư được an toàn hơn trong quá trình sử dụng như: quy định về phần sở hữu chung, sở hữu riêng trong nhà chung cư…
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương cho rằng, nhà chung cư là tài sản đặc biệt, không thuần tuý giống như các tài sản thông thường khác để có thể tách bạch quyền sở hữu và quyền sử dụng. Và nhà chung cư được xây dựng từ 2 tầng trở lên, căn hộ chung cư này liên quan mật thiết đến căn hộ chung cư khác và có diện tích sử dụng chung. Khi định đoạt quyền sở hữu của căn hộ chung cư này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị cần quan tâm đến các quyền sở hữu khác. Liên quan đến vấn đề an toàn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho rằng, vấn để bảo đảm tính mạng, sức khoẻ của người sử dụng căn hộ chung cư cần được đặt lên hàng đầu, sau đó mới cân nhắc vấn đề sở hữu.
Về giá cả nhà chung cư, sau khi Luật này ban hành theo hướng Chính phủ đề xuất, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho rằng, người dân sẽ được hưởng lợi hơn bởi giá cả nhà chung cư sẽ xuống thấp. “Nếu nhà chung cư này xây dựng theo niên hạn 50 năm thì bán với giá 50 năm. Nhà chung cư kia xây dựng theo niên hạn 100 năm thì bán với giá 100 năm. Do đó, người dân sẽ có điều kiện mua nhà chung cư theo niên hạn sử dụng. Từ đó kéo giá nhà chung cư xuống thì sẽ có lợi với người dân”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa phân tích thêm. Khi hết thời hạn sử dụng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị cân nhắc quyền sở hữu của căn hộ chung cư đó. Đồng thời cần có quy định chuyển tiếp từ thời điểm luật này có hiệu lực.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chù trì phiên họp
Nhìn chung, liên quan đến quy định về sở hữu nhà chung cư, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh cần quan tâm đến sức khoẻ của người sử dụng nhà chung cư trên hết, trước hết vì đó là điều kiện tiên quyết, còn lợi ích của nhà đầu tư, của các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc nhưng rõ ràng phải bảo đảm hài hoà, vì lợi ích của người dân.
Về chính sách phát triển nhà ở xã hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đánh giá cao Dự thảo lần này có nhiều quy định đổi mới, thậm chí mang tính chất đột phá dành cho nhà ở xã hội. “Nếu không có chính sách đột phá, quyết liệt thì không thể thực hiện được mục tiêu có 1 triệu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030. Nếu vậy thì người nghèo, đối tượng thuộc diện chính sách không thể hy vọng, trông mong gì có thể sở hữu nhà ở xã hội trong thời gian tới”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nêu rõ.
Do đó, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nhất trí với nhiều chính sách đã được nêu ra trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) liên quan đến nhà ở xã hội. Về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội (Điều 80), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa bày tỏ đồng tình quy định bố trí đủ quỹ đất tuỳ theo từng địa phương. Tuy nhiên bày tỏ băn khoăn với ý kiến đề xuất của nhóm nghiên cứu về tỉ lệ phần trăm tối thiểu tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại dành cho nhà ở xã hội.
Cần tính toán chặt chẽ, cân đối giữa nguồn và đối tượng về chính sách nhà ở xã hội để tránh lạm dụng chính sách
Liên quan đến vấn đề nhà ở công nhân, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, và cơ bản tán thành các thiết kế về nhà công nhân như trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, Dự thảo có nêu quy định: nhà lưu trú được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp để bố trí cho công nhân, người lao động, chuyên gia thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Lâm Văn Đoan nhận thấy, quy định như vậy là mở, rất rộng, đề nghị quy định giải thích về nhà lưu trú công nhân cần bám sát nội hàm khái niệm “công nhân” phải gắn chặt đúng khái niệm của họ để đảm bảo không mở rộng các đối tượng khác. Đồng thời cần tính toán chặt chẽ để đảm bảo tránh lạm dụng chính sách.
Nhấn mạnh chính sách hỗ trợ của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là một vấn đề xương sống, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Lâm Văn Đoan đề nghị chính sách nhà ở xã hội cần phải có một mục riêng để đồng bộ giữa nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước với các nhóm đối tượng. “Ở đây nếu mà chúng ta xếp nhập quá nhiều các nhóm đối tượng không rõ ràng, ví dụ người thu nhập thấp không rõ ràng giữa hộ gia đình nghèo, cận nghèo, giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với nhau, chúng ta sẽ thấy có khi lại hỗ trợ không đúng các đối tượng”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội phân tích thêm. Do đó, đề nghị Dự thảo cần phải có một chương chính sách về hỗ trợ nhà ở xã hội, nội dung phải thiết kế độc lập và tổng thể thống nhất, đi kèm từng đối tượng cụ thể, cần tính toán kỹ để cân đối giữa nguồn và đối tượng.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Thanh Nghị cảm ơn các ý kiến đóng góp của các Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và cho rằng, các ý kiến trách nhiệm, sâu sắc, thực tế. Đây là bước chuẩn bị để có báo cáo tiếp thu, giải trình cho phiên họp UBTVQH sắp tới và hoàn thiện tốt nhất dự án Luật này. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng được phân công chủ trì soạn thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và đây là dự án Luật rất khó và nhạy cảm, được cả xã hội quan tâm. Vì vậy, Chính phủ rất thận trọng trong quá trình soạn thảo phải đảm bảo tính hợp hiến, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, làm sao phải khắc phục được các hạn chế, bất cập hiện nay, điều chỉnh các hoạt động liên quan đến Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất đống sản. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, theo tinh thần thận trọng và cố gắng hết sức, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu và rà soát, thiếp thu, giải trình nhiều nội dung của Dự thảo Luật.
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, với tinh thần trách nhiệm và dân chủ, các ý kiến phát biểu tại phiên họp hết sức xác đáng, toàn diện. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã tiếp thu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật. Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Bộ Xây dựng với tư cách là cơ quan chủ trì, đồng thời tán thành cao việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật. Hồ sơ Dự thảo cơ bản đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên cần bổ sung thêm một số nội dung cho toàn diện, đầy đủ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề để báo cáo giải trình UBTVQH trong phiên họp thứ 21 tới, đồng thời tiếp tục rà soát các nội dung, đảm bảo thống nhất với một số luật liên quan./.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Quang cảnh phiên họp
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề để báo cáo giải trình UBTVQH trong phiên họp thứ 21 tới, đồng thời tiếp tục rà soát các nội dung, đảm bảo thống nhất với một số luật liên quan.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn góp ý về các chính sách nhà ở xã hội của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đại diện Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và khẳng định Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật về dự án Luật này được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đánh giá cao Dự thảo lần này có nhiều quy định đổi mới, thậm chí mang tính chất đột phá dành cho nhà ở xã hội.
Nhấn mạnh chính sách hỗ trợ của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là một vấn đề xương sống, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Lâm Văn Đoan đề nghị chính sách nhà ở xã hội cần phải có một mục riêng để đồng bộ giữa nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước với các nhóm đối tượng.