THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)

13/03/2024

Sáng 13/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT HOÀNG THANH TÙNG: TÔN TRỌNG TẤT CẢ CÁC Ý KIẾN GÓP Ý TRONG QUÁ TRÌNH THẨM TRA, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT

LẤY Ý KIẾN RỘNG RÃI CÁC CHUYÊN GIA, ĐỐI TƯỢNG CHỊU SỰ TÁC ĐỘNG PHỤC VỤ CÔNG TÁC THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG

Cùng dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam; Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan hữu quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, sửa đổi toàn diện luật hiện hành để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, khắc phục những tồn tại, hạn chế…

Để phục vụ hoạt động thẩm tra, trước đó Thường trực Ủy ban Pháp luật đã ban hành Kế hoạch thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công chứng (sửa đổi), trong đó đề ra nhiều hoạt động khảo sát, làm việc với các cơ quan hữu quan, hội thảo, tọa đàm. Năm 2023, Ủy ban cũng đã tổ chức phiên giải trình về  “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng”. Mới đây, Ủy ban cũng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật và phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp để tổ chức tọa đàm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu mở đầu phiên họp

Dự kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng như Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua cũng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động công chứng. Để thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật thì việc rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về công chứng đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật khác có liên quan là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng chỉ rõ, bên cạnh kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung; việc xác định phạm vi công chứng chưa thực sự phù hợp; Chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề;

Việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại một số địa phương còn lúng túng, chưa thống nhất về chủ trương, định hướng phát triển; Một số quy định về trình tự, thủ tục công chứng không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cả công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp; Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan.

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi một cách toàn diện Luật Công chứng; ghi nhận Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị một cách công phu, kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về nhiều nội dung cụ thể của dự án luật như phạm vi hoạt động công chứng, công chứng bản dịch. Theo quy định hiện hành công chứng bản dịch là công chứng tính xác thực hợp pháp của bản dịch. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng công chứng chữ kí của người dịch, thực hiện theo pháp luật chứng thực. Do đó, đặt vấn đề tính an toàn của giao dịch hợp đồng, đáp ứng yêu cầu người dân khi sửa đổi nội dung này. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương trao đổi ý kiến nghiên cứu ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Các đại biểu cũng dành nhiều sự quan tâm đến nhóm vấn đề về công chứng viên đào tạo tập sự hành nghề, bổ nhiệm công chứng viên; không còn quy định về miễn đào tạo; quy định theo hướng thống nhất thời hạn tập sự cho tất cả các nhóm đối tượng là 12 tháng; đơn giản hóa hồ sơ thủ tục bổ nhiệm công chứng viên; khống chế độ tuổi hành nghề công chứng viên...

Về nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, trước đây có quy hoạch tổng thể tổ chức hành nghề công chứng, sau này được bãi bỏ theo quy định của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên đứng trước yêu cầu quản lý các tổ chức hành nghề công chứng, bảo đảm phát triển lành mạnh, phân bổ đồng đều các tổ chức hành nghề công chứng, đáp ứng nhu cầu người dân, Chính phủ đề xuất quy định theo hướng việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải tuân theo quy định của Luật này và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng các giao dịch của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố (sau đây gọi là địa bàn cấp huyện) nơi dự kiến thành lập.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Dự thảo Luật cũng quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương phù hợp với quy định của Luật này. Tuy nhiên qua thảo luận vẫn còn ý kiến băn khoăn về nội dung này, đề nghị giải trình làm rõ tính phù hợp với Luật Quy hoạch. Nhấn mạnh, nhu cầu quản lý là cần thiết nhưng vấn đề đặt ra là quản lý với công cụ nào, biện pháp nào?

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đặt vấn đề về mô hình hoạt động văn phòng công chứng, thủ tục công chứng giao dịch, bảo đảm tính khả thi cho các quy định về công chứng điện tử; đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng dự phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành thảo luận

Các đại biểu khách mời tham dự phiên họp.

Bảo Yến - Phạm Thắng