Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì buổi làm việc
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 gồm 6 Chương, 88 Điều quy định về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh đối với đơn vị hành chính -kinh tế đặc biệt. Các quy định trong dự thảo Luật về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy…được tiếp thu trên cơ sở nguyên tắc phải đảm bảo tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế, có thể khác với các Luật hiện hành nhưng trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng làm rõ thêm một số nội dung
Theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018, Quốc hội sẽ thông qua Luật Đơn vị hành chính –kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018), sau đó xẽ xem xét thông qua nghị quyết thành lập Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Do thời gian từ khi Luật được thông qua cho đến khi có hiệu lực là không nhiều, vì vậy Chính phủ phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội cần chuẩn bị kế hoạch triển khai thi hành Luật và Báo cáo Quốc hội tại kỳ hợp thứ 5.
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ các nhóm vấn đề cần tập trung chuẩn bị kế hoạch triển khai thi hành Luật, cụ thể: việc chuẩn bị các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật; tiến độ trình Quốc hội thông qua 03 Nghị quyết thành lập Đặc khu; thành lập bộ máy chính quyền địa phương Đặc khu, hoạt động của các cơ quan tư pháp tại Đặc khu; hoạt động của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội tại Đặc khu.
Đại diện Bộ Nội vụ phát biểu ý kiến, tiếp thu chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội
Cũng theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,các cơ quan tổ chức hữu quan có trách nhiệm chuẩn bị ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành theo yêu cầu được giao trong luật và phải có hiệu lực chậm nhất là ngày Nghị quyết thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có hiệu lực thi hành. Đối với các nội dung khác của Luật cần có quy định hướng dẫn thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp, đề nghị Chính phủ, các cơ quan tổ chức hữu quan nghiên cứu, rà soát và dự kiến các vấn đề cần quy định trong các văn bản dưới luật để việc triển khai thi hành luật được đồng bộ, khả thi./.