PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU DỰ PHIÊN HỌP THẨM TRA SƠ BỘ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM KHÔNG TỔ CHỨC HĐND PHƯỜNG TẠI TP. HÀ NỘI

12/10/2019

Chiều ngày 11/10, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và chỉ đạo tại phiên họp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp còn có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Nội vụ; lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; đại diện một số cơ quan, đơn vị hữu quan.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Tờ trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, trên cơ sở Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội do Thành ủy Hà Nội trình, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019, trong đó có nội dung thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội. Trong bối cảnh Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã có quy định cụ thể về việc tổ chức cấp chính quyền ở tất cả các đơn vị hành chính trên cả nước. Mặt khác, cơ sở lý luận và thực tiễn về mô hình tổ chức hợp lý chính quyền địa phương có những điểm chưa thật rõ. Do đó, việc tổ chức thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) phường để có cơ sở thực tiễn đánh giá khách quan trước khi đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước là cần thiết.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, xuất phát từ những cơ sở lý luận, thực tiễn và cơ sở chính trị, pháp lý nêu trên, việc trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn quá trình phát triển và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và chính quyền đô thị trên cả nước nói chung. Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV theo trình tự xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại một kỳ họp Quốc hội quy định tại Điều 74 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xem xét, đồng ý về trình tự, thủ tục xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Thẩm tra sơ bộ Tờ trình, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng việc thí điểm không tổ chức HĐND phường là một chủ trương lớn, quan trọng, mang tính chính trị- xã hội sâu sắc. Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND phường tại quận, thị xã thuộc thành phố Hà Nội được xây dựng dựa trên các cơ sở chính trị - pháp lý và thực tiễn. Dự thảo Nghị quyết đã đề xuất nhiều nội dung đổi mới về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị ở quận, thị xã và phường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vì vậy, quan điểm của Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội.

Về cơ sở pháp lý của việc thực hiện thí điểm, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định cho Hà Nội được thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền ở phường khác với quy định của Luật hiện hành là có sơ sở pháp lý. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng, các nội dung thực hiên thí điểm phải đảm bảo nguyên tắc không trái với quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Về hồ sơ, trình tự, thủ tục dự thảo Nghị quyết, đối chiếu với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, để đảm bảo điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết này thì đề nghị cần tiến hành thủ tục bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội. Đồng thời, để nghị cơ quan soạn thảo giải trình thêm về việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và các cơ quan, tổ chức có liên quan; việc công bố đăng tải dự thảo Nghị quyết và Tờ trình trên Cổng thông tin điện tử để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý theo quy định tại Điều 57 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Qua thảo luận tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ ban tán thành với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc bổ sung thêm nội dung trình Quốc hội quyết định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền một số cơ chế, chính sách đặc thù về kinh tế, tài chính, ngân sách đất đai cho thành phố Hà Nội theo đúng Kết luận của Bộ Chính trị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Cho ý kiến chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, đất nước ta đang trong quá trình đổi mới phát triển, tốc độ đô thị hóa cao, do đó, cần có mô hình chính quyền phù hợp với đặc điểm của thành thị cũng như nông thôn. Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị, đề nghị Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 tại Phiên họp thứ 38, tháng 10/2019./.

Hồ Hương - Trọng Quỳnh