Hội thảo khoa học về Quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

03/06/2016

Chiều 2/6, tại Hà Nội, thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội giai đoạn 2014- 2016, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo về Quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Hội thảo nhằm phục vụ nghiên cứu hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện chế độ bầu cử ở nước ta phù hợp với Hiến pháp mới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến chủ trì Hội thảo.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 vừa qua được tổ chức thành công trở thành ngày hội của toàn dân. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước để lựa chọn được những người tiêu biểu về tài, đức, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, để cuộc bầu cử thành công bảo đảm bầu đủ số lượng đại biểu và các đại biểu có đủ điều kiện trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội thì công tác hiệp thương, giới thiệu ứng cử viên là một trong những giai đoạn hết sức quan trọng, có ý nghĩa then chốt. Giai đoạn này được đánh giá vừa tiếp tục hoàn thành công việc của giai đoạn trước đó, vừa làm tiền đề cho giai đoạn tiếp theo của quá trình bầu cử.

Quy định về quy trình hiệp thương phù hợp với Hiến pháp và thể chế chính trị

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, mục đích và nội dung của hiệp thương, giới thiệu đại biểu dân cử trong bầu cử là để bảo đảm lực chọn đủ số người ra ứng cử bảo đảm đúng số dư theo quy định của pháp luật; đồng thời đối với người được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân phải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Quy trình hiệp thương, giới thiệu đại biểu dân cử được tổ chức làm ba hội nghị hiệp thương. Các hội nghị được tổ chức theo tiến độ, yêu cầu của công việc trong quá trình thống nhất từ thấp đến cao. Hội nghị lần thứ nhất mở đầu làm tiền đề cho hội nghị sau, hội nghị sau kiểm tra kết quả giai đoạn trước đồng thời lại làm tiền đề cho hội nghị tiếp theo. Với từng hội nghị có những cuộc giới thiệu, lấy ý kiến của cử tri nơi người ứng cử công tác và sinh sống. Đây là những nội dung quan trọng trong điều kiện chính trị xã hội của nước ta hiện nay. Qua công tác này, người dân gần gũi với ứng cử viên, đánh giá về điều kiện, tiêu chuẩn của người ứng cử được xác thực, chính xác. Qua đó cũng là biện pháp lựa chọn nhằm đạt yêu cầu về số lượng ứng cử đại biểu.

Nhìn chung, pháp luật hiện hành quy định về quy trình hiệp thương, giới thiệu đại biểu dân cử ở nước ta là phù hợp với Hiến pháp, thống nhất với pháp luật liên quan đến bầu cử, phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta hiện nay. Đồng thời, với sự quan tâm chủ đạo, lãnh đạo sát sao của các cấp Ủy đảng, của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan và được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số cử tri nên cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 cơ bản thắng lợi theo mục tiêu đề ra.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò then chốt trong công tác hiệp thương

Đánh giá vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hiệp thương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho biết pháp luật quy định nhân dân tín nhiệm trao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vai trò và nhiệm nặng nề trong bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân đứng ra tổ chức hiệp thương thật sự dân chủ và bình đẳng để tạo sự nhất trí đưa vào danh sách ứng cử những đại biểu thật sự tiêu biểu để nhân dân bầu chọn.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là một tổ chức đại diện rộng rãi cho quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm tổ chức những bước hiệp thương bầu cử theo đúng quy trình, thủ tục, trình tự lựa chọn, sàng lọc để giới thiệu được danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Mặt trận Tổ quốc chủ động đề nghị cấp ủy các cấp giới thiệu người ứng cử, tăng cường số dư người ứng cử, thông tin đầy đủ minh bạch về các ứng cử viên để phục vụ cho hội nghị hiệp thương, đáp ứng tinh thần dân chủ đồng thời khẳng định sự lựa chọn hoàn toàn do lá phiếu quyết định của nhân dân.

Tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 diễn ra vừa qua, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba đã lập được danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của cả nước với 879 người ứng cử đạt số dư 1,76 lần; 344 ngườn ứng cử là phụ nữ, tỷ lệ 39,16%; có 206 người ứng cử là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ 23,44%; có 99 người ứng cử là người ngoài Đảng, tỷ lệ 11,26%; có 168 người ứng cử là đại biểu Quốc hội khóa XIII tái ứng cử, tỷ lệ 19,11%; có 11 người tự ứng cử, tỷ lệ 1,25%. Đối với danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tổng số người ứng cử là 6555 người đạt số dư 1,67 lần. Kết quả trên phần nào cho thấy công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã cơ bản bảo đảm đúng luật, dân chủ, khách quan, đáp ứng các yêu cầu đề ra.

Các đại biểu cũng cho rằng bên cạnh những mặt tích cực, thực tế triển khai thực hiện công tác hiệp thương vẫn tồn tại một số hạn chế như do nhập hai cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân vào cùng một ngày nên khối lượng công việc rất lớn, thời gian hạn chế, cán bộ làm công tác bầu cử không tăng nên đã ảnh hưởng đến chất lượng các khâu tổ chức bầu cử trong đó có công tác hiệp thương. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ nhất là trong khâu dự kiến, giới thiệu người ứng cử, dẫn đế có những lũng túng, bị động. Công tác tổ chức điều hành hội nghị hiệp thương, việc tham gia thảo luận, quyết định cuối cùng của hội nghị, đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền về kết quả của hội nghị cũng còn những hạn chế ở một vài địa phương, khiến cho dư luận xã hội có những băn khoăn về bảo đảm tính khách quan, dân chủ của công tác hiệp thương.

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyên nêu kiến nghị Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt nam cần tổng kết chi tiết khách quan về kết quả bầu của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đề rút ra các bài học kinh nghiệm cho các lần bầu cử sau.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Chu Sơn Hà đề xuất trong việc lựa chọn người ứng cử tại hội nghị hiệp thương kiến nghị trong trường hợp nhiều người ứng cử cùng đủ tiêu chuẩn, đạt tín nhiệm cao của cử tri ở nơi cư trú và nơi công tác nhưng hạn chế về số lượng cơ cấu thì vẫn nên đưa vào danh sách để người dân bầu chọn. Đồng thời, thành phần Ủy ban bầu cử các địa phương nên có đại diện lãnh đạo của Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh để tham gia lấy ý kiến nhận xét về hoạt động của của các đại biểu Quốc hội tái cử. 

Bảo Yến