Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đối ngoại

09/03/2017

Chiều 9/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể để cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp                      Ảnh: Đình Nam

Theo Tờ trình về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đối ngoại do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trình bày, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014. Do Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đối ngoại nên để có cơ sở quy định mức phạt đối với các hành vi vi phạm, theo quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đang xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại và xin ý kiến Ủy ban Pháp luật trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về nội dung mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại, cụ thể trong lĩnh vực hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và lĩnh vực hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.

Đối với lĩnh vực hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, phần lớn hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài phần lớn là nhân đạo, thiện nguyện, việc vi phạm trong quá trình thành lập và hoạt động có thể do không nắm rõ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có một số tổ chức bên cạnh hoạt động hỗ trợ nhân đạo còn có những hành vi cố tình vi phạm, có những tổ chức lợi dụng kinh doanh thu lời. Việc làm này là trái với tôn chỉ, mục đích của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và vi phạm pháp luật Việt Nam.

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, Chính phủ nhận thấy cần quy định mức xử phạt chỉ đủ tính răn đe vì đây là lĩnh vực nhạy cảm. Do đó, đối với vi phạm trong lĩnh vực hoạt động này, Chính phủ kiến nghị mức phạt tiền tối đa là 30.000.000 đồng.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định, trên thực tế vừa qua đã có một số tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, tuy nhiên, do đây là lĩnh vực có tính nhạy cảm, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm là các tổ chức, cá nhân nước ngoài nên việc xử phạt cũng chỉ nên ở mức vừa phải, thể hiện sự răn đe của Nhà nước. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc áp dụng mức phạt tiền tối đa là 30.000.000 đồng như đề xuất tại Tờ trình của Chính phủ là phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Đối với lĩnh vực hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, hành vi tự ý tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế không xin phép được coi là hành vi điển hình, thể hiện sự coi thường cơ quan quản lý nhà nước nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung. Hơn nữa, việc áp dụng mức phạt đủ tính răn đe sẽ phát huy tác dụng phòng, ngừa việc tổ chức những hội nghị, hội thảo quốc tế có nội dung nhạy cảm liên quan đến dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Do đó, Chính phủ tán thành đề xuất mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm trong lĩnh vực hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế là 20.000.000 đồng.

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy các vi phạm trong lĩnh vực này thường mang tính nhỏ lẻ, mức độ ảnh hưởng và tác động thường không lớn; mức phạt tiền cần bảo đảm sự tương thích với mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm có tính chất tương đồng. Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành về mức phạt tiền trong lĩnh vực này là 20.000.000 đồng.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, cần xác định rõ đây là mức phạt tiền tối đa áp dụng đối với các nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng đề nghị quy định mức phạt tiền tối đa của Chính phủ là khá thấp, cần nâng lên mức cao hơn. Khi quy định cụ thể mức phạt đối với từng hoạt động, Chính phủ có thể quy định thấp hơn mức tối đa.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc Chính phủ xin ý kiến Ủy ban thường vụ về mức phạt tiền tối đa để ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại là đã thực hiện đúng trách nhiệm và thẩm quyền. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Ngoại giao và Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến các đại biểu, xây dựng lại báo cáo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới.

+ Diễn ra trong hai ngày 9/3 và 10/3, Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Pháp luật sẽ thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo; cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế; thẩm tra dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Vân Ngọc