ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ THẢO LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Tỉnh Bắc Giang là địa phương thứ 2 trên tổng số 7 địa phương mà Đoàn khảo sát làm việc trực tiếp. Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang – Trưởng Đoàn khảo sát cho biết, thực hiện kế hoạch số 1553/KH-UBPL15 của Ủy ban Pháp luật về tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng”, dự kiến sẽ được tổ chức sau Kỳ họp thứ Năm Quốc hội khóa XV, Ủy ban pháp luật tổ chức Đoàn khảo sát để làm việc với Ủy ban nhân dân của 7 tỉnh/thành phố trong cả nước. Cuộc làm việc nhằm để có thông tin ở địa phương, cơ sở triển khai Phiên giải trình, cũng như đưa ra đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền.
Toàn ảnh cuộc làm việc giữa Đoàn khảo sát của Uỷ ban Pháp luật với UBND tỉnh Bắc Giang.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang làm rõ mục tiêu của hoạt động giải trình là để xem xét, đánh giá tình hình thực hiện một số quy định của Luật Công chứng và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Từ đó, kiến nghị biện pháp để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục các bất cập, hạn chế (nếu có) trong việc ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về hoạt động công chứng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa tranh chấp trong các hợp đồng, giao dịch, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, UBND tỉnh Bắc Giang, các cơ quan chức năng báo cáo đề nghị làm rõ một số vấn đề như: việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và hành nghề của công chứng viên; tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; việc thực hiện công chứng các loại hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về công chứng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh hiện có 20 Văn phòng công chứng với 44 công chứng viên. Thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa hoạt động công chứng, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định giải thể 2 phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp. Các văn phòng công chứng đã hoạt động có chuyển biến cả về chất và lượng, ngày càng chuyên nghiệp hơn, đáp ứng nhu cầu công chứng ngày càng tăng của cá nhân và tổ chức trên địa bàn tỉnh. Các phòng công chứng được giải thể đã góp phần giảm bớt gánh nặng biên chế và ngân sách Nhà nước, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu xã hội hóa hoạt động công chứng theo tinh thần cải cách tư pháp.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, Trưởng đoàn khảo sát phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang.
Thực hiện quy định của Luật Công chứng, hoạt động quản lý công chứng cũng dần đi vào nề nếp. Nhìn chung hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở - lĩnh vực vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp; đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch; giảm thiểu công việc cho Toà án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự. Hàng năm, tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường tiến hành thanh tra, kiểm tra; công tác giải quyết thủ tục hành chính đối với lĩnh vực công chứng được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, trên cơ sở quy định của Nghị quyết số 172/NQ-CP, để bảo đảm sự phá triển ổn định và bền vững của các tổ chức hành nghề công chứng, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận dịch vụ này, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 67/2021/QĐ-UBND, trong đó quy định mức điểm chấm xét duyệt các tiêu chí thành lập văn phòng công chứng theo khu vực để khuyến kích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập ở địa bàn chưa có văn phòng công chứng. Tỉnh Bắc Giang cũng đã xây dựng, triển khai sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực và dữ liệu ngăn chặn trên địa bàn tỉnh tại các tổ chức hành nghề công chứng và UBND cấp xã, qua đó giúp các cơ quan, tổ chức tra cứu, kiểm tra tình trạng giao dịch tài sản trước khi thực hiện công chứng, chứng thực.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế khi việc phân bố các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh còn chưa đồng đều. Đa số các tổ chức hành nghề công chứng tập trung tại thành phố; còn 2/10 huyện trên địa bàn là Sơn Động và Yên Thế chưa có Văn phòng công chứng. Hoạt động hành nghề công chứng trên địa bàn có biểu hiện tình trạng công chứng “khống”, công chứng “treo”, cạnh tranh không lành mạnh nhưng khó phát hiện, xử lý; cơ sở dữ liệu công chứng chưa thể kết nối, liên kết, tích hợp với dữ liệu của những ngành có liên quan…
Các thành viên Đoàn khảo sát trao đổi.
Từ thực tế triển khai Luật Công chứng 2014, các ý kiến cũng đề nghị cần phải sửa đổi quy định để làm rõ hậu quả pháp lý của việc chấm dứt tư cách hợp danh của công chứng viên hợp danh; tránh hợp danh hình thức, không đảm bảo hiệu quả hoạt động công chứng. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công chứng đề nghị sửa đổi các quy định có liên quan của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Giữ nguyên quy định buộc công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch liên quan đất đai trong Luật Đất đai sửa đổi như quy định tại Luật Đất đai hiện hành; quy định thống nhất về thời điểm có hiệu lực của việc công chứng để tránh cách hiểu khác nhau trong tổ chức thực hiện, bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa rủi ro tranh chấp.
Các thành viên Đoàn khảo sát đánh giá cao hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bắc Giang cũng có nhiều cải tiến trong đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập văn phòng công chứng.
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang phát biểu.
Một số ý kiến lưu ý, theo quy định tại Luật Công chứng hiện hành, phòng công chứng không thành lập ở các địa bàn thuận lợi, kinh tế phát triển, nhưng ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các tổ chức tư nhân không thành lập văn phòng công chứng thì Nhà nước lập phòng công chứng để bảo đảm người dân, tổ chức được thực hiện đồng đều nhu cầu công chứng. Do vậy, tỉnh Bắc Giang cần quan tâm cung cấp dịch vụ công, trong đó có dịch vụ công chứng trên địa bàn các huyện chưa thành lâp văn phòng công chứng, trong khi đã bỏ phòng công chứng.
Ngoài ra, Đoàn khảo sát cũng trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành, đơn vị, tổ chức về mô hình hoạt động công chứng; các khó khăn, vướng mắc cụ thể; cơ sở dữ liệu về công chứng, kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu khác; kiểm tra điểm hoạt động của công chứng viên trong một số văn phòng công chứng; hợp danh…
Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang làm rõ các vấn đề Đoàn khảo sát quan tâm.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đại diện lãnh đạo các sở ngành, cơ quan đã giải trình ý kiến của thành viên Đoàn khảo sát. Đối với việc cung cấp dịch vụ công chứng tại các huyện chưa thành lập văn phòng công chứng, là do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và cũng do không có nguồn công chứng viên nên khong thành lập Văn phòng công chứng. Mặt khác, nhu cầu công chứng của người dân ở một số địa bàn này hiện được cung cấp bởi văn phòng công chứng tại các huyện lân cận, nhìn chung không gặp nhiều trở ngại.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, Trưởng đoàn khảo sát cho biết, các ý kiến sẽ củng cố thêm cơ sở, căn cứ cho phiên giải trình của Uỷ ban về “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng” nhằm mục đích chuẩn bị “từ sớm, từ xa” phục vụ việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng và các quy định liên quan đến công chứng tại các dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản./.