CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT HOÀNG THANH TÙNG: PHÁT HUY TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG THỂ CHẾ HÓA CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI, NHÀ Ở CÔNG NHÂN

07/07/2023

Sáng 07/7, tại Hà Nội, phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thực tiễn thi hành Luật Nhà ở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định chủ trương phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân của Đảng được thể hiện rất rõ, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan là quan tâm thể chế hóa, có cơ chế, chính sách ưu đãi, đẩy nhanh thực hiện để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động, trong đó có vai trò quan trọng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT KHẢO SÁT THỰC TIỄN THI HÀNH LUẬT NHÀ Ở TẠI TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Toàn cảnh buổi làm việc

Thay mặt Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, báo cáo về thực tiễn thi hành Luật Nhà ở tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chăm lo, cải thiện đời sống, việc làm cho công nhân lao động, từ năm 2017 Tổng Liên đoàn đã lập Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” nhằm giải quyết các khó khăn về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017; sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật chưa đồng bồ, còn thiếu nhiều cơ sở pháp lý để triển khai Đề án.

 Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu báo cáo về thực tiễn thi hành Luật Nhà ở tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện

Triển khai thực hiện Đề án, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giới thiệu, chấp thuận địa điểm cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát lập quy hoạch khu thiết chế Công đoàn. Đến nay đã có 36 địa phương có văn bản chính thức gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giới thiệu, chấp thuận địa điểm có diện tích từ 3ha đến 5 ha. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã thành lập Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn (Ban quản lý dự án chuyên ngành) để giao làm chủ đầu tư các dự án thiết chế Công đoàn theo Đề án được duyệt. Ban Quản lý đã tổ chức triển khai dự án đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, các công trình thuộc thẩm quyền.

Đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng thí điểm thiết chế Công đoàn tại khu công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, với các hạng mục nhà đa năng, các công trình thể thao ngoài trời, vườn hoa, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và 5 Block nhà chung cư 5 tầng với 244 căn hộ thuộc giai đoạn 1 của dự án, đã cho công nhân thuê nhà đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Đồng thời, đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật (nếu có) và công trình nhà văn hóa, thể thao; hoàn thiện đầu tư xây dựng tại thiết chế công đoàn Tiền Giang; tiếp tục công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các công trình văn hóa, thể thao thuộc khu quy hoạch thiết chế Công đoàn tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bình Định, Vĩnh Phúc.

Các thành viên Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, việc Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ “chăm lo và bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người lao động” theo quy định tại Điều 10 Hiến pháp 2013 và Điều 1 Luật Công đoàn 2012. Trong đó, chăm lo đến nhu cầu thiết yếu, bức xúc của đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước, đó là nhu cầu về nhà ở và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu phục vụ nhu cầu ở…, đặc biệt trong bối cảnh thu nhập, đời sống của người lao động còn hết sức khó khăn, nhu cầu về nhà ở của người lao động rất lớn trong khi thực tế đáp ứng nhà ở cho người lao động còn thấp.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Ngọ Duy Hiểu làm rõ Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân lao động mặc dù là hoạt động có tính chất kinh tế nhưng không nhằm mục đích lợi nhuận, không nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp bất động sản, mà là phương thức hoạt động để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm lo cho người lao động. Trong bối cảnh hiện nay, nhà ở xã hội cho người lao động đang trở thành vấn đề cần thiết và cấp bách, là hệ luỵ của một thời gian dài nhiều địa phương tập trung phát triển nhanh các khu công nghiệp nhưng việc đảm bảo các điều kiện ăn, ở cho người lao động dường như không theo kịp. Các chủ thể trong xã hội chưa “mặn mà” với việc đầu tư nhà ở xã hội do chính sách, pháp luật chưa đủ hấp dẫn. Do vậy, cần thiết phát huy sự tham gia của các chủ thể có điều kiện, nguồn lực trong xã hội như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong đó, Nhà nước, doanh nghiệp vẫn là lực lượng chủ yếu trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, sự tham gia của Tổng Liên đoàn trong đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân lao động xét trong hiện tại và tương lai là cần thiết, nhằm khẳng định vai trò, vị thế là tổ chức đại diện cho người lao động “trung tâm và lớn nhất” trong bối cảnh có sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ trực tiếp cạnh tranh hoạt động với Công đoàn Việt Nam.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng thời trao đổi làm rõ các nội dung về sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý của việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, tính hợp lí, tình phù hợp với hệ thống pháp luật; làm rõ tính khả thi của việc bảo đảm nhiệm vụ chi trong, tài chính công đoàn, vấn đề bảo toàn vốn công đoàn, về hình thức sở hữu, việc quản lý vận hành, vấn đề giá…

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang làm rõ một số nội dung Đoàn khảo sát quan tâm

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang mong muốn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng từ phía tổ chức Công đoàn và tâm tư, nguyện vọng của người lao động để thể hiện đầy đủ nhất trong dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi, giải phóng nguồn lực xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu bức xúc của người lao động hiện nay là vấn đề nhà ở.

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, buổi làm việc xuất phát từ nhu cầu có thêm thông tin và chia se thông tin của cả hai cơ quan từ đó có thêm cơ sở thực tiễn để nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được nêu rõ trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 về phát triển mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung làm việc

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 tiếp tục khẳng định chủ trương tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội...; Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân”.

Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nêu: Nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân và các thiết chế khác trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp…

Chủ trương của Đảng được thể hiện rất rõ, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan là thể chế hóa, quan tâm, đẩy nhanh và có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ qua làm việc, hai bên thống nhất với quan điểm, chủ trương đa dạng các chủ thể đầu tư để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, không chỉ có vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động mà huy động nhiều hơn, đa dạng hơn các chủ thể, các nguồn lực xã hội để đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Liên quan đến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động tham gia với hai vai trò, vừa là chủ thể có trách nhiệm chung liên quan đến thực hiện cơ chế chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, tham gia hoàn thiện các quy định. Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động có thể tham gia với tư cách là một bên chủ đầu tư.

Ghi nhận các nội dung trao đổi tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoàn thiện báo cáo gửi Thường trực Ủy ban Pháp luật để tiếp tục nghiên cứu phương án tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó, cần tiếp tục làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý của quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân; quy trình thực hiện đầu tư dự án nhà ở, nhà lưu trú công nhân này sẽ theo pháp luật về đầu tư công hay về đầu tư chung; tính đặc thù của nguồn vốn thực hiện; về bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu mở đầu

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu báo cáo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Nguyễn Thị Diệu Thúy phát biểu

Đại diện Bộ Xây dựng phát biểu

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động giải trình làm rõ vấn đề Đoàn khảo sát quan tâm

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang làm rõ một số nội dung Đoàn khảo sát quan tâm

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh