ĐOÀN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY GIAI ĐOẠN 2014-2018 LÀM VIỆC VỚI BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

25/02/2019

Sáng ngày 25/02, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 làm việc với Bộ Giao thông Vận tải. Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban QP&AN Võ Trọng Việt chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao Thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, trong thời gian qua Bộ Giao thông vận tải đã có bước phát triển mạnh, nhiều công trình giao thông được xây mới, nâng cấp, cải tạo; mật độ phương tiện giao thông tăng lên đáng kể, lượng hành khách, hàng hóa được vận chuyển trên các phương tiện giao thông qua các bến xe, nhà gia, bến cảng tăng lên nhanh chóng đó cũng là nguyên nhân cơ bản gây ra các vụ cháy nổ nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại cơ sở.

Với đặc thù của ngành Giao thông vận tải là xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và sử dụng các trang thiết bị và phương tiện hạ tầng đồng bộ cảng hàng không, cảng biển, nhà ga, bến xe; kiểm định và chứng nhận an toàn phương tiện đối với các phương tiện giao thông; đối tượng phục vụ vận tải là hành khách hàng hóa và tài sản có giá trị lớn; các đầu mối giao thông là nơi tập trung đông người có tình hình an ninh, trật tự phức tạp, đặc biệt là vào các dịp nghỉ hè, các ngày nghỉ lễ thì cảng hàng không quốc tế, sân bay, bến tàu là nơi thường xuyên tổ chức các lễ đón, tiễn khách nước ngoài, các đoàn ngoại giao nước ngoài đến Việt Nam. Do đó, việc đảm bảo an toàn, an ninh phòng chống cháy nổ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đại diện Bộ giao thông vận tải cho biết, công tác đảm bảo an toàn cho hành khách luôn được ngành Giao thông chú trọng; đồng thời ngành đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, con người cho công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên liên tục của các đơn vị trong ngành giao thông vận tải.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ báo cáo một số nội dung

Đánh giá chung về tình hình PCCC và CNCH trong giai đoạn 2014-2018, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết ngay sau khi có Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về “ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy chữa cháy” và Quyết định số 1635/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 47- CT/TW, lãnh đạo Bộ  Giao thông vận tải đã quán triệt đến các đơn vị của Bộ kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống chữa cháy. Năm 2017, Bộ giao thông vận tải đã tổng kết hơn 10 năm thực hiện Luật Phòng cháy chữa cháy và quán triệt chỉ đạo thực hiện đến từng đơn vị, cơ sở đặc biệt các nơi có khả năng cao xảy ra cháy, nổ như các nhà ga, bến tầu, bến cảng, cảng hàng không, trụ sở của các cơ quan đơn vị, các nhà máy, công xưởng.

Báo cáo về sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải, đại diện Bộ Công an cho biết, công tác chỉ đạo phối hợp với Bộ giao thông giai đoạn vừa qua được thực hiện tương đối tốt; trường Đại học PCCC và Cục cảnh sát dã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức các lớp huấn luyện kỹ năng, chiến thuật chữa cháy tàu bay cho lực lượng chữa cháy chuyên ngành tại các cảng hàng không; triển khai mua sắm trang thiết bị huấn luyện…

Qua thảo luận, Đoàn giám sát đánh giá công tác PCCC, CNCH của ngành giao thông vận tải trong giai đoạn vừa qua được thực hiện tương đối tốt; báo cáo công tác được chuẩn bị chu đáo,bám khá sát đề cương; tuy nhiên cần nêu rõ các số liệu trong báo cáo; cụ thể hơn về quy chế phối hợp giữa các lĩnh vực khác đối với lĩnh vực giao thông vận tải.

Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt phát biểu

Đoàn giám sát cho rằng, trong những năm tới, tình hình kinh tế xã hội của đất nước tiếp tục phát triển, tiến trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng hơn; hoạt động mạnh mẽ và sâu rộng hơn; hoạt động của ngành giao thông vận tải sẽ tiếp tục phát triển mạnh, lưu lượng hành khách, hàng hóa, tần suất vận chuyển tăng lên đáng kể. Do đó để đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trong quá trình quản lý, khai thác thì cần phải có sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH.

Một số thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, công tác PCC và CNCH của một số cơ quan đơn vị còn hạn chế, trang thiết bị, bảo dưỡng, bảo trì các trang thiết bị về phòng cháy chữa cháy chưa được quan tâm đúng mức, việc sử dụng các trang thiết bị điện không phù hợp, việc quản lý các nguồn điện tại cơ quan chưa tốt để tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ trong ngành. Chính vì vậy, Đoàn giám sát đề nghị có các biện pháp tổng thể để nâng cao trình độ hiểu biết, nhận thức và kỹ năng về PCCC trong ngành và từng đơn vị.

Ngoài ra, một số thành viên Đoàn giám sát cho biết, cần làm rõ ở Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy về trách nhiệm lãnh đạo chỉ đạo cụ thể; khắc phục tình trạng quy định về quản lý, thao tác hàng nguy hiểm tại các cảng biển, cảng bến thủy nội địa chưa thật rõ ràng; còn chồng chéo trong công tác thẩm duyệt về PCCC và công tác thẩm định thiết kế phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy của cơ quan cảnh sát PCCC và cơ quan Đăng kiểm.

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn Giám sát, tiếp tục hoàn thiện báo cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt cũng nêu rõ, trên cơ sở kết hợp buổi làm việc và các cuộc giám sát thực tế, Đoàn giám sát sẽ xem xét đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC; làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và xác định những nguyên nhân; đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCC./.

 

Hồ Hương- Trọng Quỳnh