ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH TỔ CHỨC TỌA ĐÀM VỀ DỰ ÁN LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM TẠI KIÊN GIANG

08/07/2020

Ngày 07/7, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Tọa đàm về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Đây là dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Tọa đàm về dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Phát biểu khai mạc, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, đây là dự án Luật đã được 107 đại biểu Quốc hội cho ý kiến, 28 đại biểu gửi ý kiến góp ý tại Kỳ họp thứ 9, Thường trực Ủy ban đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tọa đàm tại 3 miền Bắc, Trung Nam để có thêm các đóng góp ý kiến cùng Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội Kỳ họp tháng 8, sau đó xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tới đây.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, các đại biểu bày tỏ đồng tình với tên gọi của luật là Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc trên cơ sở Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ Biên giới quốc gia; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong quản lý, bảo vệ, xây dựng biên giới; khắc phục những bất cập hạn chế của Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng. Vì vậy Luật Biên phòng Việt Nam gắn với phạm vi điều chỉnh mới có thể bao hàm được hết những vấn đề lớn đặt ra.

Về quy định thực thi nhiệm vụ Biên phòng, Đại tá Trần Ngọc Đức, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cho rằng, đây là nội dung liên quan đến chủ thể thực hiện ở khu vực biên giới. Nếu xác định Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách thì cần cân nhắc thêm vì có những nhiệm vụ Bộ đội Biên phòng  không chỉ là lực lượng chuyên trách mà còn chủ trì. Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, thành viên Ban soạn thảo Luật cho rằng, trong các văn bản pháp lý hiện nay như: Luật An ninh biên giới, Luật Biên giới quốc gia hay Luật Quốc phòng, địa vị pháp lý của Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách hay nòng cốt chuyên trách hay lực lượng chủ trì, cũng chưa thống nhất. Nhiệm vụ biên phòng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cấp ngành, trong đó Bộ đội Biên phòng chỉ thực  hiện 1 phần của nhiệm vụ biên phòng. Ở biên giới có 3 nhiệm vụ lớn gồm: xây dựng, bảo vệ và quản lý biên giới thì không phải Bộ Quốc phòng chủ trì tất cả. Bộ Quốc phòng chỉ chủ trì nhiệm vụ quản lý và bảo vệ biên giới, còn xây dựng biên giới là nhiệm vụ của bộ ngành khác, của địa phương và Bộ Quốc phòng chỉ tham gia.

Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh tại cuộc tọa đàm.

Theo khoản 2 Điều 13 dự thảo Luật, Bộ đội Biên phòng có chức năng “duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng cần làm rõ với quy định “bảo đảm an ninh trật tự” của lực lượng Công an để phân định rõ trách nhiệm. Một đồn Biên phòng có thể quản lý 2-3 xã ở khu vực biên giới ở mức độ nào, còn Công an quản lý trên địa bàn xã đấy như thế nào, ai chính, ai phụ? Khái nhiệm như thế nào là bảo đảm, như thế nào là duy trì cũng cần được làm rõ.

Trong khi đó, đại diện Ban soạn thảo lại cho rằng, trong 61 năm từ khi thành lập, dù khi thuộc Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng vẫn thực hiện nhiệm vụ duy trì An ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu. 22/26 thành viên Chính phủ nhất trí quy định Bộ đội Biên phòng là lực lượng chủ trì, các lực lượng khác phối hợp duy trì An ninh trật tự ở khu vực biên giới nên Chính phủ đã đưa quy định này vào dự thảo Luật.

Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung khác trong dự thảo Luật như: khái niệm “Biên phòng”; nhiệm vụ biên phòng,  biện pháp và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng; chính sách cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và Bộ đội biên phòng…đồng thời làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn trong quá trình triển khai nhiệm vụ của các lực lượng tại khu vực biên giới, cửa khẩu; góp ý vào các quy định khác để đảm bảo tính đồng bộ giữa dự án Luật này với các luật khác trong hệ thống pháp luật.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh  của Quốc hội cho biết, tên gọi của luật trước đây còn nhiều ý kiến nhưng đến nay đa số các Đại biểu Quốc hội đồng tình là cần thiết xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam. Cả khu vực biên giới rất rộng lớn, quan trọng, phức tạp với nhiều lực lượng hoạt động, trong đó có Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương và nhân dân biên giới. Vì vậy rất cần có luật để thể chế hóa, cụ thể hóa các nhiệm vụ. Về phạm vi điều chỉnh, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cần xác định quản lý, bảo vệ và xây dựng biên giới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, một mình Bộ đội Biên phòng chỉ tham gia chứ không đủ sức để xây dựng biên giới, Biên phòng chủ trì quản lý và bảo vệ biên giới. Nội hàm vấn đề này cần được các đại biểu bàn thảo để quy định cho chặt chẽ.

Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu tại cuộc tọa đàm.

Thượng tướng Võ Trọng Việt cũng nêu rõ, trên khu vực biên giới, biển có nhiều lực lượng cùng thực thi nhiệm vụ. Thực tế, các lực lượng cũng đã có Quy chế phối hợp, về cơ bản, quan hệ phối hợp từ trước đến nay là tốt. Tuy vậy, luật này cũng cần xử lý được tình trạng “tranh công đổ lỗi”. Hiện nay chúng ta có nhiều luật, trong đó luật Biên giới quốc gia và luật Biên phòng Việt Nam có tính tương đồng. Tuy nhiên, luật Biên giới quốc gia chỉ xây dựng mang tính nguyên tắc, còn luật Biên phòng Việt Nam đề ra các giải pháp căn cơ để xây dựng khu vực biên giới, để nhiệm vụ biên phòng đạt hiệu quả mạnh mẽ hơn nên cần được quy định, điều tiết chặt chẽ. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhấn mạnh, luật này cần khẳng định được vị thế, điều kiện của khu vực biên phòng rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn. Thứ hai, trách nhiệm của các cấp đối với khu vực biên phòng, đối với biên giới phải cao hơn, cụ thể, rõ ràng hơn. Thứ ba, địa vị pháp lý của Bộ đội Biên phòng phải cao hơn. “Khi nói chủ quyền, biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm như vậy, lực lượng bảo vệ biên giới quan trọng như thế thì không thể để anh em chòng chành khi ở bên này, khi ở bên kia”, Thượng tướng Võ Trọng Việt bày tỏ quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng chia sẻ, Bộ đội Biên phòng quả thật rất vất vả. Nhiều đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đã phát biểu nêu lên công trạng của Bộ đội Biên phòng trong phòng, chống dịch Covid-19, song đây chỉ là tình huống nhất định còn hơn 60 năm nay, Bộ đội Biên phòng vẫn làm tốt công tác quản lý, canh giữ, bảo vệ biên giới. Tuy nhiên quy định về chính sách đối với Bộ đội Biên phòng cũng phải theo các quy định chung mà xu hướng chung là không mở rộng đặc thù. Thượng tướng Võ Trọng Việt khẳng định: “Anh em Biên phòng còn quá vất vả, có nhiều công lao, đóng góp đối với Đảng, Nhà nước thì bây giờ trách nhiệm là phải nghĩ kế, tìm cách tốt nhất, hay nhất thể hiện bằng luật để tri ân với lực lượng Biên phòng và cám ơn Bộ đội Biên phòng”./.

Khắc Phục