HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG CẦN ĐẢM BẢO HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ, TINH GỌN

12/10/2021

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2 do Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng: Hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động cần đảm bảo hoạt động hiệu quả, tinh gọn, tránh làm “phình” tổ chức, bộ máy…

 

Ủy ban Quốc phòng và An ninh vừa tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 2 với việc cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Dự thảo Luật gồm 05 chương, 31 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 04 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của Cảnh sát cơ động.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Cảnh sát cơ động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết: Thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã có Báo cáo số 104/BC-UBPL15 ngày 27/8/2021 tham gia thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động theo Tờ trình số 287/TTr-CP ngày 02/8/2021 của Chính phủ. Sau phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 9/2021), Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện và có Tờ trình số 370/TTr-CP ngày 01/10/2021 về dự án Luật Cảnh sát cơ động trình Quốc hội. Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Cảnh sát cơ động kèm theo Tờ trình số 370/TTr-CP của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (dự thảo Luật) và tiếp tục có một số ý kiến tham gia thẩm tra bổ sung.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang.

Về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động (Điều 2), thay mặt Thường trực Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Trường Giang cho biết: Tại khoản 14 Điều 16 của Luật Công an nhân dân quy định lực lượng Công an nhân dân có nhiệm vụ và quyền hạn áp dụng 07 biện pháp (trong đó có biện pháp vũ trang) để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội... Như vậy, việc sử dụng biện pháp vũ trang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được quy định đối với tất cả các lực lượng trong Công an nhân dân (cảnh sát ma túy, hình sự, cảnh vệ...) mà không chỉ có Cảnh sát cơ động. Do đó, việc sử dụng cụm từ “chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang” trong việc xác định vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động là chưa chính xác và gây nhiều tranh luận không cần thiết; đồng thời cho rằng, việc Cảnh sát cơ động thực hiện biện pháp vũ trang (là việc sử dụng sức mạnh thể chất và sức mạnh của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, trong đó có cả động vật nghiệp vụ, tàu bay, tàu thủy...) để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là đặc biệt và chỉ gắn với Cảnh sát cơ động, các lực lượng khác trong Công an nhân dân không có. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị sửa lại Điều 3 của dự thảo Luật như sau: “Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng đặc biệt, nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”.

Đối với vấn đề hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động (Điều 7), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề nghị chỉnh lý khoản 1 như sau: “Hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động Việt Nam thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan” với lý do: Theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế thì “Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế” (khoản 1 Điều 2), trong đó bên Việt Nam bao gồm rất nhiều chủ thể từ cấp độ Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đến Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; đồng thời, một trong các nguyên tắc của ký kết thực hiện thỏa thuận quốc tế đó là không được ràng buộc trách nhiệm thực hiện của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hoặc cơ quan, tổ chức Việt Nam không ký kết thỏa thuận quốc tế đó (trừ thỏa thuận quốc tế nhận danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ) (khoản 5 Điều 3). Do vậy, chỉ những thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, thỏa thuận quốc tế do Bộ Công an ký kết liên quan đến Cảnh sát cơ động hoặc thỏa thuận quốc tế do Cảnh sát cơ động ký kết thì mới ràng buộc trách nhiệm thực hiện của Cảnh sát cơ động.

Nêu quan điểm về quyền hạn của Cảnh sát cơ động (Điều 10), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, trường hợp người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng để “ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái” (khoản 3), tại Báo cáo tham gia thẩm tra số 104/BC-UBPL15, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã có ý kiến về nội dung này nhưng chưa được Ban soạn thảo dự án Luật giải trình, tiếp thu. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là vấn đề đang và sẽ xảy ra trong thực tế, cần được làm rõ để bảo đảm tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, do quy định này có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, cho nên trong khi chưa sửa đổi các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đề nghị Chính phủ cần bổ sung một điều quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện hành vi ngăn chặn này. Tương tự như vậy, đối với quy định tại khoản 6 “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức để giải cứu con tin, trấn áp hành vi khủng bố và tội phạm” cũng xâm phạm đến nơi ở hợp pháp của công dân. Vì vậy, cũng cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện hành vi này ngay trong dự thảo Luật.

Tránh làm “phình” tổ chức, bộ máy của Cảnh sát cơ động

Đối với hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động (Điều 13), dự thảo Luật nêu 02 phương án để xin ý kiến của Quốc hội. Phương án 1 quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phương án 2 ngoài quy định về hệ thống tổ chức như tại Phương án 1 thì còn quy định về cơ cấu lực lượng của Cảnh sát cơ động với 06 lực lượng cụ thể (Lực lượng đặc nhiệm; Lực lượng tác chiến đặc biệt; Lực lượng bảo vệ mục tiêu; Lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy; Lực lượng huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ; Lực lượng Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu). Cả hai Phương án đều giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhất trí với quy định của Phương án 1 vì thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân (Điều 17); đồng thời, quy định này cũng tương tự với quy định về hệ thống tổ chức của một số lực lượng khác như lực lượng Cảnh vệ (Điều 16 của Luật Cảnh vệ), lực lượng Cảnh sát biển (Điều 26 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam), lực lượng Bộ đội Biên phòng (Điều 21 của Luật Biên phòng Việt Nam).


Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Đối với Phương án 2, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Luật cần bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh làm “phình” tổ chức, bộ máy của Cảnh sát cơ động. Trường hợp cần thiết phải quy định về tổ chức, bộ máy trong Luật, đề nghị Chính phủ cần giải trình, đánh giá tác động chi tiết, đầy đủ chặt chẽ và có báo cáo cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động (Điều 22). Nội dung này đã nêu tại Báo cáo tham gia tham tra số 104/BC-UBPL15.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, do Cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân nên quy định “Cảnh sát cơ động có phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt và trang phục huấn luyện, chiến đầu riêng (khoản 2 Điều 22 của dự thảo Luật) và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết khoản 2 Điều này” (khoản 3 Điều 22 của dự thảo Luật) là chưa thống nhất với Điều 36 của Luật Công an nhân dân quy định: “Trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân do Chính phủ quy định”. Đồng thời cho rằng, trường hợp Cảnh sát cơ động cần có đặc thù riêng về “phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt và trang phục huấn luyện, chiến đấu” thì đề nghị quy định thống nhất với các quy định trong các luật khác là “giao Chính phủ quy định”.

Về huy động người, phương tiện, thiết bị (Điều 17), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhận thấy, quy định tại khoản 1 “Trong trường hợp cấp bách để thực hiện nhiệm vụ được quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này,...” đã bao gồm cả việc thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố được quy định tại khoản 2 “Việc huy động người, phương tiện, thiết bị trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố”. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị thiết kế lại quy định để tránh trùng lặp. Ngoài ra, đề nghị bỏ quy định tại khoản 5 vì tại khoản 2 Điều 30 của dự thảo Luật về trách nhiệm và chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động đã quy định nội dung này.

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động (Điều 23), Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bỏ khoản 3 về “Sĩ quan Cảnh sát cơ động công tác ổn định lâu dài được bố trí nhà ở công vụ”, bởi vì khoản 1 Điều này đã quy định “Cán bộ, chiến sĩ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật biến sĩ Công an nhân dân”; đồng thời, theo quy định tại khoản 6 Điều 38 của Luật Công an nhân dân thì “Sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan chuyên môn kỹ thuật được hưởng phụ cấp nhà ở, được bảo đảm nhà ở công vụ...”. Quy định như khoản 3 Điều 23 của dự thảo Luật sẽ hạn chế hơn so với quy định của Luật Công an nhân dân hiện hành (đòi hỏi phải có thêm điều kiện là công tác ổn định lâu dài).

Về hiệu lực thi hành (Điều 31), Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định rõ thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Cảnh sát cơ động./.

Bích Lan