TRÌNH DỰ ÁN LUẬT BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TẠI PHIÊN HỌP TOÀN THỂ 17

01/10/2020

Chiều ngày 01/10/2020, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 17, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra Dự án Luật Bảo đảm trật tự an, an toàn giao thông đường bộ. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt chủ trì Phiên họp. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu chỉ đạo.

Toàn cảnh phiên họp.

Dự hội nghị có các thành viên của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia.

Mục tiêu của Dự thảo luật là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông

Mở đầu Phiên thảo luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về sự cần thiết xây dựng, ban hành luật, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông được xác định là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy đảng; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người; còn đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ​.

Bên cạnh đó, toàn bộ hoạt động bảo đảm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ liên quan, tác động đến quyền con người, quyền công dân mà theo tinh thần của Hiếp pháp thì những nội dung này phải được quy định trong văn bản luật. Trong đó, một số hoạt động đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như quy tắc giao thông, người và phương tiện tham gia giao thông, nhưng vẫn còn nhiều quy định thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn; nhiều hoạt động chưa được điều chỉnh bằng luật. Nhiều nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu trong Công ước viên 1968 chưa được nội luật hóa đầy đủ; việc xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa rõ ràng, rành mạch dẫn đến chồng chéo khi tổ chức thực hiện.

Trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung thì lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang tồn tại, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, nhất là kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của nhiều người tham gia giao thông còn rất kém; tình trạng coi thường pháp luật, vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông diễn biến hết sức phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Theo thống kê từ năm 2009 đến nay, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã xảy ra trên 334 nghìn vụ, làm chết trên 101 nghìn người. So với các lĩnh vực giao thông khác như đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt thì tai nạn giao thông đường bộ, chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương. Đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ yếu chiếm trên 90% số vụ, trong đó nhiều lái xe có kỹ năng điều khiển, kiến thức về pháp luật an toàn giao thông và ý thức tự giác chấp hành luật còn rất kém.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay theo hướng chuyên sâu hóa. Theo đó, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông; còn Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có mục tiêu lớn nhất là đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…. Do đó, việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết nhằm triển khai thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an, an toàn giao thông đường bộ gồm 08 chương, 72 điều.

Về bố cục và nội dung cơ bản của Dự thảo Luật, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết,  Dự thảo Luật gồm 08 chương, 72 điều về giải thích các từ ngữ liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bổ sung một số khái niệm, định nghĩa mới (như người tham gia giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, trung tâm chỉ huy, hệ thống giám sát giao thông…). Bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm là những hành vi nguy hiểm, có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc gây mất an ninh, trật tự.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn một số quy tắc giao thông, như: Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho trẻ em, người già, người khuyết tật, người đi bộ và người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ đường bộ; người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường... Mô tả, làm rõ hơn một số quy tắc như tránh, vượt, chuyển hướng, chuyển làn, giao thông trên đường cao tốc, trong hầm đường bộ...

Về phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Dự thảo Luật quy định về các nội dung: Điều kiện tham gia giao thông đường bộ; cấp, thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền về cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe; trách nhiệm của chủ xe cơ giới, phù hợp với Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ và phù hợp thực tiễn Việt Nam. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về công tác đăng ký, cấp biển số xe theo hướng chặt chẽ hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, phục vụ Nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.

Dự thảo Luật cũng quy định nhiều điểm mới trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, quản lý lái xe bằng cơ sở dữ liệu có liên thông với các bộ, ngành liên quan; quy định người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch; kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai; các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư; sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để phù hợp với Công ước Viên năm 1968; quy định về điểm của giấy phép lái xe.

Dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông; trách nhiệm của cơ quan Y tế; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của cơ quan Công an; trách nhiệm của cơ quan Quân đội; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị bảo trì, khai thác đường bộ và cơ quan, đơn vị đăng kiểm; trách nhiệm của cơ quan, doanh nghiệp bảo hiểm trong giải quyết hậu quả các vụ tai nạn giao thông bảo đảm công khai, minh bạch và bảo đảm việc giải quyết tai nạn giao thông được kịp thời, khách quan, chính xác, đúng pháp luật.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, đối với quy định quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Dự thảo Luật Quy định nội dung quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương một cách rõ ràng, rành mạch, đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trong đó đã đẩy mạnh việc phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông cho Ủy ban nhân dân các cấp./.

Lan Hương - Minh Thành