HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT, THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 6

13/10/2023

Để chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, sáng 13/10 tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo dự án Luật tổ chức phiên họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỈ ĐẠO PHIÊN HỌP TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

Quang cảnh phiên họp

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp.

Cùng dự phiên họp có Trung tướng Đỗ Quang Thành – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh; các đồng chí Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Ban soạn thảo dự án Luật, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với 115 lượt ý kiến. Trong đó, có 100 ý kiến phát biểu tại Tổ và 14 ý kiến phát biểu tại Hội trường; 01 vị đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản.

Ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã khẩn trương tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Đồng thời chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức các cuộc họp để nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng chủ trì phiên họp.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến ĐBQH có 6 chương với 34 điều (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật lần này đã được bổ sung bổ sung 01 điều, tách 01 điều thành 02 điều, bỏ 02 điều ) và chỉnh sửa nội dung và kỹ thuật lập pháp, sắp xếp, bố cục lại một số điều trong các chương, trong đó tập trung vào 4 nhóm chính sách gồm: Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Chính sách 2: Chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự; Chính sách 3: Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự; Chính sách 4: Chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý; đánh giá cao cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ để tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Việc tiếp thu, giải trình được thực hiện nghiêm túc, thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội; đánh giá cao chất lượng các tài liệu và trách nhiệm của các cơ quan, nhất là cơ quan trực tiếp thẩm tra và soạn thảo.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý dự thảo.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ và rà soát quy định về thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Liên quan đến nội dung về công trình lưỡng dụng trong dự thảo luật, các đại biểu đề nghị bổ sung quy định về “sân bay mang tính lưỡng dụng”; đề nghị đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn trách nhiệm, quy trình quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng để làm cơ sở cho các đơn vị khi thực hiện. Đồng thời đề nghị rà soát, quy định về công trình lưỡng dụng, công trình dân sự có tính lưỡng dụng, chính sách và việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội.

Giải trình về vấn đề này, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, sân bay mang tính lưỡng dụng là một loại của công trình lưỡng dụng và việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng được thực hiện theo các quy định tại Điều này. Việc quản lý các hoạt động của công trình lưỡng dụng nói chung và sân bay mang tính lưỡng dụng nói riêng đã được quy định tại khoản 6. Công trình lưỡng dụng là công trình sử dụng cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự; tùy theo tính chất, mục đích sử dụng, yêu cầu quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng được sắp xếp vào loại, nhóm công trình quốc phòng phù hợp với quy định tại Điều 5 và Điều 6  dự thảo Luật. Đây là cơ sở để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ đối với công trình lưỡng dụng theo quy định tại dự thảo Luật này và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật và pháp luật có liên quan.

Đại tá Trần Ngọc Phương - Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng đại diện Ban soạn thảo giải trình ý kiến của các đại biểu.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp vơi ban soạn thảo rà soát các nội dung quy định về công trình lưỡng dụng với yêu cầu phù hợp với phạm vi điều chỉnh, thống nhất với các nội dung của dự thảo Luật, trong đó quy định cụ thể: công trình lưỡng dụng gồm: công trình dân sự có tính lưỡng dụng và công trình quốc phòng sử dụng lưỡng dụng và Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng mới công trình lưỡng dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng công trình dân sự sang công trình lưỡng dụng như dự thảo Luật.

Tại phiên họp các đại biểu và ban soạn thảo đã rà soát các quy định để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp và văn phong của dự thảo Luật.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng trân trọng cảm ơn các ý kiến của các đại biểu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án Luật để hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, sẽ khai mạc vào ngày 23/10 tới đây./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu góp ý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

 

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thống nhất về nội dung chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến cũng được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa tham gia ý kiến tại phiên họp.

Đại diện Bộ Tư pháp góp ý về thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý; đánh giá cao cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ để tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. 

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng giải trình ý kiến của các đại biểu.

Đại tá Lê Văn Đãng, Phó Cục trưởng Cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam báo cáo làm rõ một số nội dung.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng trân trọng cảm ơn các ý kiến của các đại biểu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án Luật để hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác