TỌA ĐÀM VỀ XÂY DỰNG, HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, NGUỒN LỰC, TRANG BỊ CHO PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

06/08/2024

Để phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân, báo cáo UBTVQH tại Phiên họp tháng 8, sáng ngày 6/8, tại tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Tọa đàm có chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị cho phòng không nhân dân”.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: CẦN TIẾP THU ĐẦY ĐỦ, CHỈNH LÝ PHÙ HỢP DỰ THẢO LUẬT PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

Quang cảnh Tọa đàm

Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì cuộc Tọa đàm. Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh điều hành Tọa đàm.

Tham gia Tọa đàm có Trung tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức, Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các Ủy viên Thường trực Ủy ban. Dự cuộc Tọa đàm có Thiếu tướng Bùi Tố Việt, Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, đại diện Ban soạn thảo Luật; Đại tá Lương Đình Chung, Phó Chính ủy Quân khu 5; đại diện Cục Dân quân tự vệ, Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Vụ pháp chế, Bộ Quốc phòng.

Về phía địa phương, có ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Ban chỉ đạo PKND tỉnh Khánh Hòa; đại diện Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên tham dự Tọa đàm.        

Các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh dự Tọa đàm

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nhấn mạnh, đây là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Luật, vừa qua đã được nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến và đề nghị nghiên cứu quy định chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Qua một số cuộc chiến tranh, xung đột quân sự trên thế giới gần đây và hiện nay cho thấy vai trò của tiến công đường không đang là thách thức rất lớn đối với các lực lượng trên mặt trận đối không. Vì vậy, việc xây dựng lực lượng phòng không nhân dân (PKND) vững mạnh, trong đó có cả yêu cầu bảo đảm về nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị cho PKND đòi hỏi phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Việc xây dựng dự án Luật PKND vừa phải kịp thời, hiệu quả, vừa phải đáp ứng yêu cầu công tác quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh gợi ý một số nội dung để các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan đơn vị thảo luận, góp ý chuyên sâu, gồm: thành phần cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PKND ở các địa phương; quy định về lực lượng, tổ chức, thực hiện nhiệm vụ PKND; huy động lực lượng PKND; nguồn lực, chế độ chính sách và trang bị cho PKND.

Xây dựng lực lượng phòng không vững mạnh, rộng khắp

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu về một số nội dung trong dự thảo Luật

Theo dự thảo Luật, lực lượng PKND gồm: lực lượng nòng cốt, lực lượng huy động và lực lượng rộng rãi toàn dân, trong đó lực lượng nòng cốt gồm: bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và dự bị động viên. Tuy nhiên, theo Trung tướng Nguyễn Văn Thân, Luật chỉ nên quy định 2 lực lượng PKND gồm: lực lượng nòng cốt và tự nguyện vì lực lượng huy động là dân quân tự vệ, dự bị động viên là những người đã được đăng ký, đưa vào tham gia lực lượng PKND. Lực lượng rộng rãi toàn dân là lực lượng tự nguyện của quần chúng nhân dân tham gia phục vụ chiến đấu, chiến đấu, khắc phục hậu quả, bảo đảm PKND.

Với sự phát triển rất nhanh chóng của khoa học, công nghệ, chuyên gia cũng cho rằng, ngoài Tổ chế áp, cần nghiên cứu thêm quy định về Tổ sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để phục vụ nhiệm vụ trinh sát trên không, đánh giá ngụy trang, nghi binh và tấn công đối phương; đề nghị quy định xây dựng lực lượng PKND vững mạnh, rộng khắp để phát huy thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu kết luận Tọa đàm

Tại cuộc Tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh đã trình bày ý kiến, góp ý, đề xuất các nội dung trong dự thảo luật liên quan đến chủ đề đã được gợi ý. Các đồng chí trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đã trao đổi, thảo luận để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các nội dung liên quan, phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Các đại biểu, chuyên gia tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh thay mặt Thường trực Ủy ban, ghi nhận các ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, có tính chuyên môn cao của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các đại biểu tham dự; đồng thời khẳng định, đây là cuộc Tọa đàm rất có ý nghĩa, đúng với tính chất của Tọa đàm, nơi các chuyên gia trao đổi, thảo luận để giúp tìm ra giải pháp tối ưu nhất trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 8 này./.

Khắc Phục