Năm 2018, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động, phối hợp với các cơ quan hữu quan, để triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Công tác xây dựng luật, giám sát chuyên đề và giám sát văn bản quy phạm pháp luật được tổ chức triển khai theo đúng kế hoạch, hiệu quả, chất lượng, đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến đối với nhiều vấn đề quan trọng về quốc phòng, an ninh. Hoạt động đối ngoại được triển khai tích cực và hiệu quả, công tác tiếp nhận đơn thư, khiếu nại, tố cáo được duy trì thực hiện có nề nếp. Các thành viên Ủy ban tích cực, chủ động dành thời gian tham gia các hoạt động chung của Ủy ban.
HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP ĐƯỢC CHÚ TRỌNG, ĐÚNG KẾ HOẠCH ĐỀ RA
Trong công tác lập pháp, năm 2018, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý 5 dự án Luật, bao gồm: Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật Cảnh sát biển Việt Nam:
+ Đối với 2 dự án Luật: Quốc phòng (sửa đổi) và An ninh mạng: Ủy ban đã chủ trì tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 5. Phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật chỉnh lý về kỹ thuật trước và sau khi Quốc hội thông qua và trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực.
+ Đối với 3 dự án Luật: Bảo vệ bí mật nhà nước, Cảnh sát biển Việt Nam và Công an nhân dân (sửa đổi): Ủy ban đã chủ trì phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, báo cáo xin ý kiến UBTVQH; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về một số vấn đề quan trọng của các dự án Luật; tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Trong công tác xây dựng pháp luật năm 2018, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đã thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về “Kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14của Quốc hội về thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam”. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời gian hai năm kể từ ngày 01/02/2019. Ngoài ra, Ủy ban cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua “Nghị quyết về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sỹ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới thuộc Bộ Quốc phòng”.
Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Luật Quốc phòng (sửa đổi) và Luật Cảnh sát biển Việt Nam có tầm quan trọng rất lớn đối với hoạt động quốc phòng và nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trong trong tình hình mới. Luật đã có hiệu lực từ 1/1/2019. “Việc ban hành luật Quốc phòng (sửa đổi) là rất kịp thời trong tình hình hiện nay. Đặc biệt với nội dung hết sức quan trọng là chúng ta khẳng định một lần nữa việc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang. Thứ 2, luật Quốc phòng (sửa đổi) có những điều cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Còn đối với luật Cảnh sát biển Việt Nam, đã khẳng định địa vị pháp lý cho lực lượng này. Đây là lực lượng hết sức quan trọng, là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực thi pháp luật trên biển, đồng thời đây cũng là lực lượng vũ trang sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh.
Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh trả lời phỏng vấn
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, các dự án luật đã tiếp thu, chỉnh lý một cách tối đa. 5 dự án luật đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu rất cao, trong đó có những luật rất quan trọng như luật Quốc phòng (sửa đổi), luật Cảnh sát biển Việt Nam; có luật rất nhạy cảm, liên quan đến quốc tế như luật An ninh mạng; có luật được dư luận xã hội rất quan tâm như luật Công an nhân dân (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh: “Xuất phát từ tầm quan trọng của từng dự án luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã làm việc một cách rất thận trọng; tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; khảo sát các địa phương để đưa tất cả những mâu thuẫn của dự án luật để điều chỉnh cho phù hợp. Thứ 2, những vướng mắc từ thực tiễn đã được tháo gỡ cho nên trong quá trình thảo luận, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và có nhiều ý kiến xác đáng”.
HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, KHẢO SÁT ĐƯỢC QUAN TÂM, ĐẠT HIỆU QUẢ CAO
Trong hoạt động giám sát, khảo sát, ngoài hoạt động giám sát thường xuyên hàng năm về kết quả thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng, an ninh; tình hình thực hiện dự toán ngân sách Quốc phòng, An ninh; nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT năm 2018, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thi hành chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng” và “Việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Để kết quả giám sát đạt hiệu quả, Ủy ban đã tổ chức các Đoàn giám sát đến làm việc với các cơ quan, đơn vị và địa phương theo kế hoạch. Điển hình như trong chuyên đề giám sát về an ninh, an toàn hàng không, các Đoàn đã tổ chức giám sát thực tế tại các địa phương có sân bay, cảng hàng không lớn như: Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh và nhiều địa phương khác để ghi nhận thực tế triển khai các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.
Làm việc trực tiếp 3 đơn vị khai thác, đảm bảo hoạt động bay, vận tải hàng không là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và Công ty Cổ phần hàng không VietJet, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chỉ ra những bất cập, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện; làm rõ tầm quan trọng của vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.
Tại buổi làm việc với các Bộ, ngành là thành viên Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, đoàn giám sát cũng nhấn mạnh vị thế, địa vị pháp lý của lực lượng an ninh hàng không chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Các thành viên đoàn giám sát cũng nêu bật cần quan tâm đến hệ thống tổ chức và cơ sở pháp lý để hoạt động đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả của lực lượng này. Thiếu tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu rõ: “Tôi cho rằng cái này phải tính toán. Tôi đặt rất nặng địa vị pháp lý của lực lượng an ninh hàng không, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu kỹ mô hình của lực lượng này như thế nào và quyền hạn của nó ra sao cần quy định ngay trong luật”.
Thướng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh phát biểu tại Hội nghị
Những nội dung, kết quả của chuyên đề giám sát là cơ sơ sở quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đánh giá, kiến nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chia sẻ: “Đi giám sát chúng tôi cũng hỏi rõ nguyên nhân của câu chuyện pháp luật ở đây là gì? Quy định của pháp luật đủ hay thiếu? Bảo đảm tính khả thi hay không? Và việc triển khai thực hiện quy định đấy của luật trên thực tế như thế nào, từ đó chúng tôi mới tìm ra những hạn chế, bất cập”. Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cũng cho rằng, cái gì là hạn chế bất cập của Luật cần phải sửa đổi Luật thì Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ kiến nghị sửa đổi luật. Còn cái nào luật đúng rồi nhưng việc tổ chức thực hiện không đúng thì Ủy ban cũng kiến nghị phải thực hiện cho đúng, thậm chí quy trách nhiệm, địa chỉ rõ ràng.
An ninh, an toàn được xác định tầm quan trọng số 1 trong lĩnh vực hàng không. Vì vậy, bên cạnh công tác giám sát, việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, tổ chức thực hiện các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn càng trở nên cần thiết sau khi Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiến hành giám sát về chuyên đề này. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không chưa vững chắc; chưa có 1 hệ thống chặt chẽ, đồng bộ. Cơ sở hạ tầng của ngành Hàng không còn bất cập. Lực lượng an ninh hàng không chưa được đào tạo cơ bản theo yêu cầu nhiệm vụ đã được giao. Thượng tướng Võ Trọng Việt nêu rõ: “Đặc biệt, địa vị pháp lý của lực lượng an ninh hàng không chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ rất quan trọng của lực lượng này. Ngoài ra về cơ chế chính sách, chúng tôi cũng đã phát hiện, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan những vấn đề cần quan tâm giải quyết để làm thế nào ngành hàng không đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho mọi con người và tài sản của đất nước”.
CHỦ ĐỘNG, BÁM SÁT KẾ HOẠCH NĂM 2019
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Ủy ban Quốc phòng và An ninh được Ủy ban thường vụ Quốc hội giao nhiệm vụ thẩm tra 3 dự án luật, bao gồm: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và 1 Nghị quyết là “Nghị quyết quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sỹ quan Công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018”. Ủy ban đã chủ động nắm tiến độ và phối hợp với Ban soạn thảo để chuẩn bị nội dung thẩm tra các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Bên cạnh đó, Ủy ban tổ chức hội nghị triển khai đi khảo sát nắm tình hình ở các địa phương để tổng hợp lại tình hình; chuẩn bị tài liệu, hồ sơ, bám sát thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra.
Về hoạt động giám sát, khảo sát, Quốc hội đã quyết định chọn phòng cháy, chữa cháy là chuyên đề giám sát tối cao và giao cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì. Để chuẩn bị tốt các nội dung giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2019, Ủy ban đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuẩn bị các kế hoạch, chương trình, nội dung giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”.
Theo Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an, mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Phòng cháy chữa cháy đã khá đầy đủ nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện còn bộc lộ một số tồn tại và hạn chế. Do vậy, đợt giám sát của Quốc hội lần này là rất cần thiết nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH hiện nay. Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng cho rằng, việc Quốc hội giám sát tối cao cũng là để tìm ra trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, đồng thời tập trung làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH thời gian tới.
Phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh diễn ra sáng 25/01/2019
Dự kiến, từ tháng 2 đến tháng 4/2019, sẽ có 3 đoàn công tác của Quốc hội do Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh; bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp làm Trưởng các Đoàn công tác tiến hành giám sát về phòng cháy, chữa cháy tại các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương. Sau đó, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ làm việc với Chính phủ vào tháng 5/2019. Sau khi tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2019. Trước ngày 1/10/2019, Đoàn giám sát sẽ hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, qua đóng góp ý kiến của các địa phương, các ngành thì đến nay kế hoạch đã hoàn chỉnh, sau Tết Nguyên đán, các đoàn công tác sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch này. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh: “Chúng tôi ý thức đây là vấn đề hết sức quan trọng nên đã có sự chuẩn bị rất chu đáo. Ban chỉ đạo đã họp và thông qua đề cương, kế hoạch. Chúng tôi có sự đổi mới là lựa chọn một số điểm từ một bộ phận tiền trạm đi trước cập nhật thông tin. Có những vấn đề gì mâu thuẫn, phức tạp, khó khăn thì về báo cáo Ban chỉ đạo để khi Ban chỉ đạo, đoàn giám sát xuống tập trung xoáy vào làm. Như vậy bộ phận tiền trạm giúp cho đoàn giám sát tốt hơn, tránh tình trạng qua loa, đại khái”.
Như vậy, với khối lượng công việc tương đối đớn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã hoàn thành nhiệm vụ năm 2018 với nhiều nội dung quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát và các công tác khác. Chủ động, bám sát kế hoạch công tác năm 2019, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tập trung thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Kế hoạch của Ủy ban; góp phần hoàn thành đầy đủ chương trình công tác đề ra, hoàn thiện chính sách pháp luật; đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của đất nước trong thời gian tới.