Theo báo cáo trung tâm do Trung tướng Trần Hồng Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trình bày, ngày 26/01/2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng (CNQP). Sau 12 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh đã tạo ra những chuyển biến tích cực và những thành công quan trọng đối với xây dựng và phát triển CNQP Việt Nam. Pháp lệnh CNQP đã tạo cơ sở pháp lý cho quá trình xây dựng, hoạch định chính sách phát triển CNQP, đáp ứng yêu cầu sản xuất vũ khí trang bị cho các lực lượng vũ trang, đồng thời góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng.
Báo cáo trung tâm và các ý kiến phát biểu đều thống nhất, trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan và tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức, triển khai thực hiện Pháp lệnh. Đồng thời lãnh đạo, tổ chức quán triệt, đề ra chủ trương nhiệm vụ, giải pháp; tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về xây dựng và phát triển CNQP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ Quốc phòng đã hoàn thành xây dựng Đề án đẩy mạnh phát triển CNQP-An ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Qua đó, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương thông qua các nội dung về tổ chức lực lượng CNQP và các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện, làm cơ sở quan trọng để triển khai các nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP trong những năm qua; báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, đảm bảo từng bước tăng cường tiềm lực CNQP theo hướng tập trung, có chọn lọc, đáp ứng yêu cầu đảm bảo vũ khí trang bị phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các Bộ, ban, ngành, địa phương đã phối hợp, tạo điều kiện về cơ chế chính sách để xây dựng và phát triển CNQP. Trong đó, đã đề xuất, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển CNQP, cấp đất, các chính sách về thuế, thủ tục hành chính, giúp đỡ để các cơ sở CNQP tham gia các hoạt động sản xuất kinh tế tại địa phương; phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự cho các cơ sở CNQP, tạo môi trường ổn định cho sản xuất.
Công tác nghiên cứu khoa học, thiết kế, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đã có bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả; tổ chức thực hiện nhiều Đề án Khoa học công nghệ các cấp, có nhiều sản phẩm quốc phòng đã nghiên cứu chế thử thành công. Luôn quan tâm đến hợp tác, trao đổi và huy động tiềm lực khoa học công nghệ của các đơn vị ngoài quân đội và xây dựng nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ các cơ sở nghiên cứu hàng đầu trong nước, nhiều chương trình, đề tài khoa học công nghệ hợp tác nghiên cứu đạt kết quả tốt.
Năng lực của các cơ sở CNQP quốc phòng nòng cốt có bước phát triển mạnh mẽ cả về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực. Đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo cơ bản, có năng lực hoạt động thực tiễn, tích lũy được kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo cơ sở, có khả năng nghiên cứu, hoạch định, phát hiện và đề xuất các vấn đề định hướng chiến lược phát triển CNQP. Nhiều cán bộ kỹ thuật có khả năng tiếp thu công nghệ hiện đại; nghiên cứu, chế tạo được một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới. Các cán bộ giảng dạy phát huy được tính chủ động sáng tạo, tích cực nghiên cứu phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, chế tạo sản phẩm mới và phục vụ công tác giảng dạy. Công nghệ sửa chữa đã được nâng cấp về chất lượng, số lượng chủng loại và tiến độ ngày càng tốt hơn. Vũ khí, trang bị kỹ thuật sau sửa chữa đạt độ tin cậy và ổn định cao, đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (ngoài cùng bên trái, hàng đầu tiên) tham dự Hội nghị.
Công tác hợp tác quốc tế được Bộ Quốc phòng chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đúng đắn, sáng tạo quan điểm của Đảng, nội dung, hình thức quan hệ đã được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, với nhiều đối tác, đạt được những kết quả quan trọng. Bộ Quốc phòng đã thiết lập, củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác với các nước, chủ động xây dựng các văn bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác về CNQP tạo hành lang pháp lý cũng như các định hướng để triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực CNQP.
Bên cạnh sản xuất quốc phòng, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm tới sản xuất hàng kinh tế, xuất khẩu, tạo mọi điều kiện để các đơn vị đẩy mạnh phát triển thị trường, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm. Tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó mở rộng các mối quan hệ trong và ngoài nước, tìm kiếm khách hàng, phát triển hợp tác với các đối tác mới.
Nhấn mạnh ý nghĩa của Pháp lệnh CNQP, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel khẳng định, Pháp lệnh ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho Công nghiệp quốc phòng phát triển. Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel cùng với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, kết hợp với các đơn vị trong quân đội đã tạo ra các vũ khí rất hiện đại. Nhờ có Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng đã tạo hành lag pháp lý để cho nền công nghiệp quốc phòng phát triển cũng như các doanh nghiệp của Quân đội được tham vào nghiên cứu sản xuất trang thiết bị vũ khí cho quân đội.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel.
Đồng tình với những kết quả quan trọng sau 12 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh CNQP, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, đứng trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, nhiều chủ trương, quan điểm liên quan đến xây dựng và phát triển CNQP chưa được thể chế hóa đầy đủ trong Pháp lệnh CNQP. Vì vậy cần phải nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện các quy định pháp luật về CNQP.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Hội nghị nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ về tình hình và kết quả thực hiện, làm rõ những hạn chế, bất cập, đề xuất các chủ trương giải pháp để hoàn thiện các quy định của pháp luật về CNQP; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ XI".
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị cũng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó, tập trung vào những nội dung trọng tâm. Đó là xây dựng và phát triển CNQP đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiên đại, đáp ứng yêu cầu nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia. Tập trung đầu tư nghiên cứu, sản xuất một số chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài mới, hiện đại; nâng cao năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hoá các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có tính năng kỹ thuật, chiến thuật cao. Bên cạnh đó là xây dựng và phát triển CNQP có quy mô, tổ chức, cơ chế quản lý phù hợp; bảo đảm tinh, gọn, mạnh, thống nhất về quản lý nhà nước, phát huy được vai trò, trách nhiệm tự chủ của các cơ sở CNQP và sự tham gia tích cực, hiệu quả của các bộ phận, thành phần kinh tế quốc dân.
Ngoài ra là xây dựng và phát triển nền CNQP theo hướng hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội; thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.