Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Ngân hàng Nhà nước
Tham dự buổi làm việc còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh – Phó Trưởng Đoàn giám sát; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Phó Trưởng Đoàn giám sát; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng các thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, kinh tế, tài chính- ngân hàng, cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Ngân hàng Nhà nước là một trong ba cơ quan được giao trách nhiệm quản lý vốn vay nước ngoài - nguồn vốn quan trọng, liên quan đến các tổ chức đa phương, trong đó có Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, sau khi Luật Quản lý nợ công được ban hành đã có thay đổi quan trọng trong quản lý vốn vay nước ngoài theo hướng thực hiện tập trung, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, cần làm rõ những vấn đề nảy sinh trong đàm phán, sử dụng vốn vay nước ngoài tại giai đoạn 2011 - 2016, cũng như quá trình khắc phục, xử lý từ giai đoạn trước đến nay; chú ý đề xuất các giải pháp phù hợp, để phát huy được vai trò của nguồn vốn trong nước, bên cạnh sử dụng vốn vay nước ngoài như hiện nay. Qua đó, giúp bảo đảm giữ trần nợ công do Quốc hội đề ra, đáp ứng những yêu cầu cấp bách trong triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo trước Đoàn giám sát, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước luôn hoàn thành tốt chức năng đại diện, chủ trì đàm phán, ký kết các hiệp định vay với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Phần lớn là nguồn vốn có lãi suất ưu đãi, thời hạn dài và là nguồn vốn quan trọng hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội và giảm nghèo cho Việt Nam. Trong quá trình này, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực trong việc thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án cho các cơ quan chủ quản, được Chính phủ và các nhà tài trợ đánh giá cao. Mối quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế được củng cố và vị thế của Việt Nam tại các tổ chức và trên trường quốc tế được nâng cao.
Vốn ODA và vốn vay ưu đãi là một bộ phận cấu thành nợ công. Việc đàm phán, ký kết, quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thuộc phạm vi điều chỉnh của hệ thống quy định pháp luật có liên quan như Hiến pháp, Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật Điều ước quốc tế và các văn bản hướng dẫn. Các quy định đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn này. Trên cơ sơ tuân thủy các quy định của pháp luật, các cơ quan đều thực hiện đúng chức năng đã được phân công, phối hợp chặt chẽ với nhau dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ.
Trong quá trình đó, Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì đàm phán, kí kết thỏa thuận vay với WB/ADB trên cơ sở các văn bản pháp lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về bản chất khâu đàm phán, ký kết chỉ là một bước hoàn thành thủ tục pháp lý với nhà tài trợ thống nhất các điều khoản về nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước đàm phán để thể chế hóa chủ trương vay vốn của Chính phủ và hoàn tất thủ tục pháp lý khoản vay của cơ quan đại diện Việt Nam với tổ chức tài chính quốc tế. Do vậy, tuy là một trong các cơ quan quản lý vốn vay nước ngoài, song Ngân hàng Nhà nước chủ yếu tham gia xây dựng các văn bản pháp luật liên quan với tư cách thành viên ban soạn thảo, góp ý để hài hòa thủ tục giữa các nhà tài trợ và quy định pháp luật của nước ta.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng báo cáo trước Đoàn giám sát
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, bên cạnh những kết quả đạt được, những thuận lợi về thể chế, quy trình, mối quan hệ với nhà tài trợ, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong quá trình dài huy động, sử dụng vốn vay ODA thì việc đàm phán, ký kết các chương trình, dự án của WB/ADB gặp phải một số khó khăn vướng mắc. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, giải phóng mặt bằng…thay đổi nhiều lần, liên tục làm phát sinh khó khăn cho tổ chức, thực hiện ở các cấp. Tình trạng thay đổi quy hoạch ở một số tỉnh, thành phố cũng ảnh hưởng đến các chương trình, dự án ODA. Trình tự, thủ tục trong thẩm định, phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, quản lý tài chính… còn rườm rà. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục của một số nhà tài trợ chưa hài hòa với quy trình, thủ tục của nước ta, trong một số trường hợp đã hạn chế tính chủ động của bên Việt Nam, gây những chậm trễ không đáng có.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài theo các nguyên tắc đồng bộ, nhất quán, cụ thể, tránh chồng chéo. Đảm bảo sự phù hợp của Luật quản lý nợ công mới ban hành và các quy định, hướng dẫn liên quan khác về sử dụng vốn ODA; nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thực hiện Luật Đầu tư công để có điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Các bộ, ngành, địa phương bên cạnh phối hợp, rà soát các quy định hướng dẫn liên quan trong ngành, lĩnh vực phụ trách cũng cần rà soát đánh giá về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý. Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng định hướng mới về tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong bối cảnh Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Các thành viên Đoàn giám sát tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị và tán thành với nhiều nội dung báo cáo của Ngân hàng Nhà nước; khẳng định Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay với WB/ADB được các nhà tài trợ đánh giá cao trong việc huy động, sử dụng vốn. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận và đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ hơn những vướng mắc trong quá trình đàm phán, ký kết, phân chia trách nhiệm của các chủ thể trong cả quá trình cũng như tình hình thực hiện các dự án.
Cuộc giám sát này nhằm đánh giá thực chất và khách quan về hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài, nhìn ra những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về việc quản lý và sử dụng nguồn vốn này, đề xuất biện pháp khắc phục.Trên cơ sở giám sát thực tế, làm việc với các cơ quan có liên quan, Đoàn giám sát sẽ có báo cáo tổng hợp kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.