ĐOÀN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG QUỸ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC NGOÀI NGÂN SÁCH HỌP PHIÊN THỨ 2

05/08/2019

Sáng ngày 05/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018” họp phiên toàn thể lần thứ 2.

Tại phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát tập trung cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013-2018. Theo dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát nội dung này tại phiên họp thứ 36 diễn ra vào tháng 8 tới.

Đoàn giám sát của UBTVQH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018” họp phiên toàn thể lần thứ 2

Theo đó, các thành viên Đoàn giám sát tán thành với bối cảnh trong việc thành lập các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Giai đoạn 2013-2018, trong quá trình cải cách nền kinh tế đất nước, thường xuyên phát sinh các nhiệm vụ có tính cấp bách, có tính chuyên biệt làm nảy sinh yêu cầu tập trung nguồn lực tài chính của Nhà nước để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng trong quản lý kinh tế và chính trị - xã hội. Do đó, cần thiết phải thành lập các quỹ tài chính ngoài ngân sách để giải quyết một số nhiệm vụ đặc thù, khi các nhiệm vụ này khó có thể đáp ứng bằng việc phải thực hiện đúng quy trình về dự toán ngân sách hàng năm hoặc trải qua quá trình ngân sách một cách chặt chẽ.

Việc thành lập các quỹ ngoài ngân sách đã góp phần thu hút được các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước qua từng giai đoạn. Thực tế một số quỹ được hình thành từ việc tạo chính sách của nhà nước đã có nguồn thu độc lập hoàn toàn với ngân sách. Do đó, Đoàn giám sát cho rằng, việc hình thành một số quỹ tài chính ngoài ngân sách là cần thiết, phù hợp với điều kinh tế - xã hội ở nước ta.

Khẳng định vai trò của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng cần có đánh giá đầy đủ một số quỹ hoàn thành nhiệm vụ và nhu cầu duy trì, một số quỹ đã hoàn thành hết trách nhiệm.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc ban hành chính sách và đảm bảo việc quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước một cách hiệu quả, tránh thất thoát nguồn vốn ngân sách và tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp thì cần thiết phải tổng kết đánh giá một cách cụ thể. Từ đó đề ra các giải pháp kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét bãi bỏ các quỹ đã hết nhiệm vụ, hoạt động không hiệu quả và sắp xếp, cơ cấu lại các quỹ để bãi bỏ các nhiệm vụ thu, chi trùng với nhiệm vụ của ngân sách nhà nước hoặc bãi bỏ các nhiệm vụ không cần thiết để tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết khác của từng Quỹ.

Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế trong việc ban hành chính sách pháp luật và tình hình tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách như thiếu thống nhất, rõ ràng về khái niệm các quỹ tài chính ngoài ngân sách, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quỹ chậm được ban hành, sửa đổi gây khó khăn trong thực tiễn quản lý, sử dụng.

Qua giám sát nhận thấy các quỹ ở trung ương quản lý khá phức tạp về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động, còn tại các địa phương thì mô hình của các quỹ cũng khác nhau. Việc tồn tại các mô hình khác nhau tại các địa phương và độc lập với các quỹ trung ương dẫn đến mối liên hệ với các quỹ là khá rời rạc, chưa tạo được sự liên kết tối ưu hóa năng lực các quỹ cũng như giữa các cấp quản lý.

Ngoài ra, các thành viên Đoàn giám sát cũng lưu ý điều quan trọng là trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, tồn tại hạn chế có được đề xuất giải pháp, lộ trình hợp lý, khả thi. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Quang Chiểu cho rằng, việc kiến nghị cần thận trọng các phương án đề xuất, cần phải có tiêu chí, phân loại các nhóm quỹ để có đánh giá và phương án sắp xếp, tổ chức lại bảo đảm hiệu quả. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã, cần đặc biệt cân nhắc đề việc ban hành luật chung để quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thời điểm hiện nay, bởi thay vì tăng cường quản lý lại mở ra cơ chế để thành lập quỹ tràn lan.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp

Kết luận phiên họp, tiếp thu ý kiến phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát cho biết: trên cơ sở các góp ý của thành viên Đoàn giám sát sẽ hoàn thiện báo cáo theo hướng khái quát các nội dung đánh giá và bám sát báo cáo của Chính phủ, nhấn mạnh phạm vi giám sát là các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nên không đề cập đến quỹ không liên quan đến tài chính công.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị nội dung báo cáo kết quả giám sát khẳng định kết quả đạt được các quỹ ngoài ngân sách như các quỹ bảo hiểm đã góp phần ổn định nợ công, giảm vay nước ngoài thực hiện an sinh xã hội tiệm cận thông lệ quốc tế. Các quỹ được thành lập và hoạt động cơ bản tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước bên cạnh đó có những đặc thù nhất định.

Về phương hướng giải pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết cần phải có phân tích và đánh giá theo nhóm các quỹ cần giải thể, cần sắp xếp lại và cần tiếp tục duy trì phát triển, kiến nghị giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết giao Chính phủ chấn chỉnh, sắp xếp, đánh giá, tổng kết, hạn chế việc thành lập các quỹ mới tràn lan. Đồng thời, xác định trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và địa phương trong ban hành văn bản pháp luật và trong tổ chức thực hiện./.

Bảo Yến

Các bài viết khác