Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Hữu Quang chủ trì cuộc làm việc. Tham dự có đại diện Kiểm toán Nhà nước khu vực 6; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện Thường trực UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên, sau khi thành lập, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đều được chú ý xây dựng và ban hành đầy đủ các quy chế hoạt động. Cơ cấu, tổ chức quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do tỉnh thành lập có khác nhau, các Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ Phát triển đất, Quỹ Bảo vệ môi trường thành lập Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, Cơ quan điều hành nghiệp vụ riêng, trong khi một số quỹ khác đặt trong các sở, ngành.
Đa số các quỹ đều hình thành bởi ngân sách cấp vốn điều lệ, bổ sung hàng năm, song một số quỹ bước đầu đã huy động từ xã hội. 5 quỹ do địa phương thành lập: Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Bảo vệ môi trường; Phát triển đất, Hỗ trợ nông dân; Phòng chống thiên tai cơ bản hoạt động đúng mục đích, có hiệu quả, bảo đảm an toàn và phát triển vốn theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, các quỹ chưa có sự thống nhất về mô hình, quy chế hoạt động, cơ chế tài chính. Nguồn vốn hoạt động của các quỹ còn quá nhỏ, chưa đáp ứng được các yêu cầu vay vốn, hỗ trợ tài chính cho các chương trình, dự án…
UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị, các bộ, ngành ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn về tổ chức, hoạt động cho các quỹ; cơ chế phối hợp giữa quỹ Trung ương và địa phương trong các mặt hoạt động; tăng cường thực hiện tập huấn, nâng cao trình độ, chuyên môn. Hội Nông dân Việt Nam, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương nghiên cứu giảm mức phí cho vay vốn.
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Hưng Yên đã bám sát đề cương, phản ánh chi tiết tình hình tài chính, nội dung hoạt động. Các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn nhìn chung hoạt động tốt, phát huy hiệu quả, dù quy mô vốn nhỏ; đồng thời, tích cực tham mưu xây dựng, ban hành chính sách… Tuy nhiên, cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa nhất quán, mỗi quỹ tổ chức một kiểu; bộ máy giúp việc thiếu thống nhất, có nơi có bộ máy rõ ràng, có nơi kiêm nhiệm; nghiệp vụ chưa được hướng dẫn thường xuyên.
Đoàn giám sát đề nghị, UBND tỉnh Hưng Yên cần báo cáo cụ thể những loại quỹ nào được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, song không được tỉnh thành lập. Một số ý kiến nhấn mạnh, dưới góc độ địa phương, UBND tỉnh cần nêu rõ quan điểm về việc sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hiện nay.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang phát biểu tại cuộc làm việc
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang nhấn mạnh, báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên đã cung cấp nhiều thông tin, số liệu về nguồn thu - mức chi, hiệu quả của quỹ. Đoàn giám sát nhận thấy, số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách không nhiều, quy mô khiêm tốn, nhưng không phải như vậy là yếu kém, vì nhiều quỹ trên địa bàn Hưng Yên đã phát huy hiệu quả rõ.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Quang lưu ý, hiện chưa có một mô hình thống nhất về tổ chức, hoạt động, có quỹ có hội đồng quản lý, có những quỹ lại do cơ quan quản lý nhà nước kiêm quản lý. Nguồn thu của các quỹ chủ yếu từ ngân sách, hoặc nếu không cũng là thu gián tiếp qua ngân sách. Việc huy động các nguồn lực khác để tham gia vào quỹ còn hạn chế, dù là một mục tiêu được đặt ra khi thành lập quỹ ngoài tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, UBND tỉnh nghiên cứu đầu mối quản lý để vừa tránh bỏ sót, vừa bao quát được tình hình của các quỹ; nghiên cứu, đề xuất, bổ sung nhiệm vụ chi của các quỹ, khi thực tế một số nhiệm vụ chi bị hạn chế, nên không sử dụng được. Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài xã hội tham gia vào các quỹ này, vì nếu áp dụng triệt để Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách sẽ phải dựa vào nguồn lực này…