ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA QUỐC HỘI VỀ VIỆC HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG COVID-19 LÀM VIỆC VỚI CHÍNH PHỦ
Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” làm việc với Chính phủ ngày 4/4.
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” làm việc với Chính phủ
Tại buổi làm việc, các đại biểu nghe dự thảo Báo cáo Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát trình bày.
134 văn bản của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19
Theo đó, về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, qua giám sát cho thấy, dịch COVID-19 là đại dịch có quy mô toàn cầu, chưa từng có, với diễn biến phức tạp, không dự báo, đánh giá được các tác động. Tại Việt Nam, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, khó lường, trước yêu cầu cấp bách bảo vệ tính mạng, sức khỏe Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời công tác phòng, chống dịch với sự chủ động, linh hoạt trong mọi quyết sách, chuyển hướng chiến lược phù hợp với từng thời kỳ của dịch bệnh, “nguy cơ đến đâu, đáp ứng đến đó”. Đây là các bước chuyển hướng đúng đắn, kịp thời góp phần quan trọng vào công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát trình bày dự thảo Báo cáo Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cả nước đã huy động được sức mạnh, nguồn lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đã có hàng triệu tình nguyện viên tham gia tuyến đầu, chung sức, đồng lòng cùng chính quyền các cấp chiến đấu và đẩy lùi dịch bệnh. Nguồn lực huy động từ đóng góp của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế bằng tiền, hiện vật với nhiều hình thức khác nhau là hết sức to lớn, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền. Việc thành lập Quỹ Vắc - xin phòng COVID-19 Việt Nam và thành công trong ngoại giao vắc-xin thể hiện sự quyết liệt, sáng tạo, quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Quốc hội ghi nhận và vinh danh những cá nhân, tập thể đã đóng góp sức người và của của cải, vật chất cũng như trí lực cho công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19. Những đóng góp này là vô cùng to lớn và không thể thống kê, báo cáo hết được bằng các báo cáo hành chính, thể hiện truyền thống và đạo lý nhân văn, tốt đẹp ngàn đời nay của dân tộc và con người Việt Nam. Đây chính là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tình yêu thương, lòng nhân ái, tương thân tương ái và là nguồn cổ vũ, động viên to lớn giúp mỗi người dân vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhau đoàn kết vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đại dịch COVID-19.
Kết quả, từ năm 2020 đến nay, đã có 134 văn bản của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo thẩm quyền về các cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch, tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng số đã huy động nguồn lực phòng, chống dịch trong 3 năm 2020-2022 là 230.055,5 tỷ đồng, trong đó nguồn NSNN 186.434,5 tỷ đồng, Huy động từ các nguồn khác 43.621 tỷ đồng.
Về thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động của y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước; nhân lực từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, thiết bị được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tiến; chính sách về tài chính dần được hoàn thiện bảo đảm thuận lợi cho hoạt động của y tế cơ sở; khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên; mức độ hài lòng của người dân đối với thái độ của nhân viên y tế cơ sở, chất lượng dịch vụ y tế cải thiện đáng kể. Y tế cơ sở, y tế dự phòng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và đã được minh chứng trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19…
Hệ thống pháp luật để ứng phó với đại dịch trong tình hình khẩn cấp chưa hoàn chỉnh
Dự thảo Báo cáo Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19. Mặc dù, việc huy động các nguồn lực phòng, chống dịch cơ bản được thực hiện khá chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch.
Tuy nhiên, việc ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc: Việc ban hành một số chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng chống dịch trong một số trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời, chưa bảo đảm tính bao quát dẫn đến lúng túng trong tổ chức thực hiện. Phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc và thậm chí cả sai phạm trong quản lý, sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực huy động khác dành cho phòng, chống COVID-19. Tính chuyên nghiệp trong huy động và điều phối nguồn lực xã hội còn hạn chế, có những lúc lúng túng trong công tác tổ chức, thực hiện dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao.
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn những hạn chế nhất định. Tổ chức hệ thống y tế cơ sở chưa thực sự ổn định. Nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn.
Cơ chế tài chính chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở, y tế dự phòng. Điều kiện về thuốc, thiết bị, cơ sở vật chất còn chưa bảo đảm. Khả năng cung ứng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở, sử dụng dịch vụ dự phòng còn chưa cao, tình trạng vượt tuyến vẫn chưa được khắc phục triệt để. Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế nói chung chưa đồng bộ, hiệu quả.
Dự thảo Báo cáo cũng nêu các nguyên nhân và trách nhiệm của các tồn tại, hạn chế đối với việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 là hệ thống pháp luật để ứng phó với đại dịch trong tình hình khẩn cấp chưa hoàn chỉnh; năng lực của một số tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; việc nghiên cứu, chính sách chưa sâu, chưa kỹ; chưa đánh giá hết các tác động của các chính sách ban hành. Các phương án bảo đảm về nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 của một số địa phương, đơn vị tại một số thời điểm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chưa kịp thời dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai trong mua sắm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Nhiều vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh toán, quyết toán, nhất là các khoản chi hỗ trợ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch, chi hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp nhưng chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thành viên Đoàn giám sát tham dự buổi làm việc
Nhận thức về vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đầy đủ; sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng có lúc, có nơi còn chưa sát sao; công tác phối hợp liên ngành nhất là trong lĩnh vực y tế dự phòng còn chưa chặt chẽ; chính sách, chế độ lương, đãi ngộ cho nhân lực y tế cơ sở, nhân lực làm trong lĩnh vực y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa đủ thu hút gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng; hành lang pháp lý để y tế cơ sở, y tế dự phòng hoạt động còn chưa hoàn thiện, đồng bộ.
Dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu trách nhiệm về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm tiến độ, chất lượng; việc phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch trong nhiều trường hợp chưa đúng đối tượng, chưa kịp thời, để tình trạng trục lợi, gây thất thoát nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19.
Các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm trong việc chưa kịp thời hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc, khó khăn trong xác định đối tượng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từ các chính sách trong phòng, chống dịch; công tác thanh toán, quyết toán kinh phí, xác lập sở hữu toàn dân đối với các tài sản từ nguồn việc trợ, tài trợ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương có trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện, trong một số trường hợp còn chậm, để xảy ra các vi phạm gây thất thoát nguồn lực phòng, chống dịch qua kết luận của cơ quan thanh, kiểm toán, điều tra trong thời gian qua và chưa kịp thời xử lý các vi phạm, giải quyết các vướng mắc phát sinh nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, tổ chức.
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng, trách nhiệm chính thuộc về Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ban, ngành và các địa phương tuy đã có quan tâm đến y tế cơ sở, y tế dự phòng nhưng vẫn chưa đảm bảo yêu cầu, chưa xứng tầm “nghề y là nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”, “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”. Các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm trong việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm, thiếu, có lúc còn chồng chéo; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tham mưu, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến công tác quản lý thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách còn chưa đảm bảo yêu cầu.
Dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cũng đề xuất các nhóm giái pháp cụ thể về thể chế, cơ chế; về tổ chức thực hiện; đồng thời kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội; đối với Chính phủ; kiến nghị cụ thể đối với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước; chính quyền địa phương các cấp để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến trách nhiệm của từng cơ quan.