Ủy ban Tài chính - Ngân sách họp toàn thể lần thứ 42
Tham dự phiên họp còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
Tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul
Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về phê duyệt Dự thảo Nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa được ký kết ngày 26/6/1990, có hiệu lực từ ngày 27/11/1993 dưới sự quản lý của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Thông báo số 1134/TB-TTKQH ngày 26/9/2017 của Tổng thư ký Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc gia nhập Công ước Istanbul; giao Chính phủ thực hiện việc nội luật hóa các quy định của Công ước. Việt Nam chính thức là thành viên Công ước Istanbul từ ngày 03/7/2019 theo Thông báo số 27/2019/TB-LPQT ngày 04/7/2014 của Bộ Ngoại giao.
Công ước gồm 05 Chương với 34 điều bao gồm nguyên tắc cơ bản của Công ước, những điều khoản thiết yếu để Công ước được áp dụng nhất quán; các điều khoản về: phạm vi, cấu trúc cơ chế quản lý, gia nhập và sửa đổi Công ước...và 13 phụ lục quy định từng nhóm mặt hàng cụ thể.
Nội dung của cơ chế tạm quản hàng hóa là hàng hóa được phép tạm nhập vào hoặc tạm xuất ra khỏi một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định với điều kiện chủ hàng phải bảo đảm tái xuất hoặc tái nhập hàng hóa trong thời hạn nhất định.
Cơ chế tạm quản vận hành dựa trên hệ thống Sổ Tạm quản (ATA carnet) là một bộ chứng từ hải quan duy nhất được quốc tế công nhận dùng để thay thế tờ khai hải quan áp dụng đối với hàng hóa đi lại theo chế độ tạm quản giữa các thành viên của Công ước Istanbul.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định của Chính phủ nhằm thực hiện cam kết quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai cơ chế tạm quản. Đơn giản hóa thủ tục, áp dụng biện pháp nghiệp vụ hải quan tiên tiến, phù hợp với xu hướng phát triển giao lưu thương mại của Việt Nam khi gia nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế. Đồng thời, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thủ tục cấp và hoàn trả số tạm quản (sổ ATA), bảo đảm thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác và phí, lệ phí (nếu có) đối với hàng hóa tạm quản theo Công ước Istanbul.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định có quy định về cơ chế bảo đảm hàng hóa tạm quản, thời hạn tạm quản, khoản thu phí cấp số ATA là những quy định mới so với pháp luật hiện hành cần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trình bày Tờ trình của Chính phủ
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbu. Khẳng định, việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam phát triển giao lưu thương mại khi gia nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế và phù hợp với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, hiện đại hóa hệ thống hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế.
Các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí về cơ sở pháp lý để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị định đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị trong quá trình xây dựng pháp luật tiếp tục nội luật hóa các nội dung của Nghị định này vào các Luật chuyên ngành liên quan để đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi trong triển khai áp dụng.
Đề nghị Chính phủ báo cáo đánh giá tác động cụ thể và chính xác hơn về chi phí đối với Nhà nước, doanh nghiệp, cơ quan đảm bảo (VCCI), số liệu về tổng thu lệ phí hải quan đối với các mặt hàng thuộc phạm vi tạm quản qua các năm, thống kê giá trị các hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập thuộc phạm vi tạm quản trong các năm qua.
Chậm trễ trong trình điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan quy định tại Nghị quyết số 1094/NQ-UBTVQH13 và Quyết định số 13/2016/QĐ-TTg để áp dụng cho năm 2019 và năm 2020. Theo đó, đối với Tổng cục Thuế: giảm từ mức 1,8% trên dự toán thu NSNN hàng năm giao Tổng cục thực hiện xuống còn 1,2% đối với năm 2019 và 1,5% đối với năm 2020. Đối với Tổng cục Hải quan: tăng từ mức 2,1% trên dự toán thu NSNN hàng năm giao Tổng cục thực hiện, lên mức 2,4%, áp dụng cho cả 2 năm 2019 và 2020.
Đồng thời điều chỉnh nguồn kinh phí bổ sung cho Tổng cục Hải quan năm 2019 thực hiện mua sắm hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ thông tin, đầu tư xây dựng. Việc sử dụng kinh phí của từng Tổng cục theo dự toán năm 2019 được giao (bao gồm cả dự toán được bổ sung) và nhu cầu chi thực tế năm 2020.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang phát biểu tại phiên họp
Qua đánh giá các nội dung, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội ghi nhận việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trong giai đoạn 3 năm 2016-2018 đã mang lại những kết quả rất tích cực, song cũng còn hạn chế và phát sinh những vấn đề cần phải xử lý để đảm bảo phù hợp với tình hình mới. Thực tế việc không sử dụng hết kinh phí được giao của Tổng cục Thuế qua các năm, trong khi kinh phí cấp cho Tổng cục Hải quan lại không đủ cho thấy việc xác định tỷ lệ là chưa sát, dẫn đến việc luôn phải đề xuất điều chỉnh.
Qua thẩm tra các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, căn cứ vào Nghị quyết Nghị quyết số 570/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tỷ lệ khoán kinh phí đảm bảo hoạt động cho Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Chính phủ xây dựng dự toán trình Quốc hội xem xét quyết định trong dự toán NSNN hằng năm. Tuy nhiên, đến nay (tháng 02/2020), dự toán NSNN năm 2019 và 2020 đã được Quốc hội quyết định và năm 2020 là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách. Do vậy, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí đảm bảo hoạt động cho Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan cho hai năm 2019 và 2020 là quá chậm, khi Quốc hội đã quyết định cụ thể về kinh phí khoán cho Tổng cục thuế và Tổng cục Hải quan. Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị không thực hiện việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí đảm bảo hoạt động cho Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan trong năm 2019 và năm 2020 như Tờ trình của Chính phủ.
Để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí NSNN cấp cho 2 Tổng cục trong năm 2020, đáp ứng được yêu cầu về đầu tư, hiện đại hóa ngành Hải quan và khắc phục tình trạng bố trí vốn đầu tư quá thấp so với mức được bố trí theo chế độ và nhu cầu thực tế, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép tỷ lệ chi đầu tư xây dựng và chi mua sắm hiện đại hóa trang thiết bị tối thiểu là 35% (phần kinh phí chi thường xuyên) của Bộ Tài chính, đảm bảo theo Nghị quyết số 1094/NQ-UBTVQH13.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải để nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến thẩm tra, hoàn thiện báo cáo, bổ sung các nội dung giải trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 42 tới./.