Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam
Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, Chủ nhiệm nhận định như thế nào về tình hình tài chính, ngân sách năm 2019? Trên phương diện tài chính ngân sách quốc gia, Việt nam sẽ có những cơ hội và đối mặt với thách thức nào?
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải: Trước hết chúng ta có thể nói rằng năm 2019 việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Đà tăng trưởng kinh tế 2016-2018 tạo đà thuận lợi cho các hoạt động tài chính ngân sách bền vững hơn. Tăng trưởng kinh tế đạt trên 7.08% cao hơn so với kế hoạch Quốc hội đặt ra thể hiện sự tăng trưởng về quy mô nền kinh tế, đồng thời cũng thể hiện chất lượng của tăng trưởng, từ đó quyết định về tài chính. Chính sách tài chính bước đầu đã kiềm chế được lạm phát, giữ được chính sách về tỷ giá và tiền tệ, kiểm soát được bội chi ngân sách và nợ công trong giới hạn mà chúng ta đã đề ra. Bên cạnh đó, tình hình ngân sách có liên quan tới tình hình trong nước và quốc tế. Năm vừa qua, về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do với rất nhiều nước, cả đa phương và song phương. Chúng ta đã tham gia một hiệp định rất quan trọng là CPTPP, cũng như hiệp định thương mại Việt Nam và EU.
Việc Quốc hội thông qua CPTPP với số phiếu gần như tuyệt đối thể hiện quyết tâm đổi mới về chính sách mở cửa. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam hội nhập thế giới cũng như thu hút các dòng vốn đầu tư, dòng vốn luân chuyển thương mại và dẫn đến nguồn lực tài chính sẽ được tăng cường. Trên cơ sở đó, chúng ta có điều kiện để phát triển ngân sách, thu ngân sách tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh các thuận lợi, chính sách mở cửa cũng luôn đi kèm với thách thức. Các tổ chức quốc tế uy tín dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới đang giảm tốc và nhiều khả năng không đạt được kỳ vọng như nhiều năm qua. Quan hệ thương mại tự do hơn nhưng chính sách bảo hộ mậu dịch sử dụng các hàng rào kỹ thuật lại có xu hướng tăng lên. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu, đầu tư, và các quan hệ khác, đồng thời gián tiếp tác động tới tình hình tài chính ngân sách. Trước hết là thuế xuất nhập khẩu, trách nhiệm nộp của các doanh nghiệp FDI của các ngành có độ mở lớn, phải nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường truyền thống. Nếu những nơi đó bị ảnh hưởng sẽ là thách thức rất lớn.
Trong nước, bên cạnh các thuận lợi cơ bản chúng ta đã ổn định được kinh tế thì chúng ta vẫn còn rát nhiều thách thức. Trước hết từ sản xuất, doanh nghiệp sản xuất còn nhiều khó khăn. Trên một số ngành hàng, mặt hàng thường xuyên có đóng góp lớn cho ngân sách hoặc những ngành chúng ta hy vọng tạo ra sự tăng trưởng sẽ có khó khăn. Bởi lẽ, thị trường sẽ quyết định vấn đề nộp ngân sách của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai bão lụt ảnh hưởng tới thị trường chung, ảnh hưởng tới sức mua, ảnh hưởng giá cả, ảnh hưởng tới việc chúng ta sử dụng nguồn lực tài chính. Đặc biệt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, các vùng ven biển sạt lở, nhiễm mặn. Chúng ta phải dồn nguồn lực đầu tư như thế nào, xử lý các vấn đề liên quan tới liên vùng, những thách thức quốc gia khu vực.
Hiện chúng ta quản lý được an toàn nợ công nhưng chúng ta đã tốt nghiệp việc sử dụng vốn vay ODA ưu đãi. Chính sách vay ưu đãi sắp tới lãi suất sẽ cao hơn, thời gian sẽ dài hơn, các điều kiện ràng buộc vào nguồn sẽ khó khăn hơn. Trước đây sử dụng vốn đầu tư nước ngoài thuận lợi đòi hỏi chúng ta phải tăng cường hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn này. Cơ chế đi vay về, cho vay lại đòi hỏi các địa phương, các ngành phải tăng cường trách nhiệm sử dụng vốn có hiệu quả , đồng thời phải tính trả nợ trước mắt và lâu dài.
Một thách thức nữa là nội tại công tác quản lý tài chính, mặc dù có nhiều tiến bộ, nhưng vấn đề đặt ra là quản lý tránh chi dàn trải, không hiệu quả và kết hợp được đầu tư công với đầu tư của xã hội. Những chuyện tồn tại trong các dự án BOT, hợp tác công tư vừa qua là thách thức lớn. Chúng ta mong muốn vốn xã hội đầu tư nhưng tránh tình trạng cực đoan là chúng ta ỷ lại vốn đầu tư, chỗ nào cũng cần đầu tư ngân sách, phân tán, dàn trải. Khi chúng ta huy động nguồn lực xã hội, chúng ta không giám sát, không có cơ chế tốt thì nhà đầu tư chưa mặn mà.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải
Phóng viên: Theo Chủ nhiệm, năm 2019, công tác điều tài chính quốc gia sẽ có điểm gì nổi bật?
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải: Tình hình tài chính ngân sách đặt ra trước hết đối với Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền TW, địa phương, các ngành, các cấp có nhiều thách thức. Trước hết, chúng ta phải triển khai toàn diện các giải pháp Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội, trong đó vấn đề ngân sách sẽ là vấn đề tập trung vì nó đảm bảo nguồn lực để đầu tư phát triển cũng như đảm bảo chi thường xuyên.
Chi thường xuyên của Việt Nam, bên cạnh chi cho lương, bộ máy mà còn phải đảm bảo chính sách an sinh xã hội, đặc biệt chính sách đối với người có công, đối với đồng bào nghèo, chính sách liên quan tới hỗ trợ bảo hiểm y tế. bảo hiểm xã hội đối với người nghèo. Đây là vấn đề lớn đối với ngân sách của đất nước chúng ta, khác với các đất nước khác. Như vậy, thách thức để chúng ta đạt được cân đối giữa chi thường xuyên và thu sẽ rất là lớn. chúng ta phải tập trung vào cân bằng nhưng cũng phải kịp thời.
Trong việc quản lý ngân sách, cần kết hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Chính sách tài khoá là bao gồm điều hành chính sách thu chi ngân sách. Chính sách tiền tệ bao gồm các chính sách về tỷ giá, lãi suất như thế nào để hai kênh này nhịp nhàng với nhau. Tinh thần chung là chính sách tài khoá phải hết sức chặt chẽ vì ngân sách đang mất cân bằng. Chính sách tài khoá thận trọng đòi hỏi phải tiết kiệm trong chi tiêu, sử dụng đồng tiền có hiệu quả, nâng cao chất lượng, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp. Những năm vừa qua, tình hình vi phạm trong thu chi ngân sách còn rất nhiều, nhiều trường hợp nghiêm trọng. Như vậy chúng ta phải xử lý, đấu tranh với việc sử dụng lãng phí tài sản công đi đôi với phòng chống tham nhũng. Tôi muốn nhấn mạnh trách nhiệm cuả người đứng đầu. Kiểm toán, thanh tra phải tằng cường, phải rất mạnh nhưng trách nhiệm của người đứng đầu các ngành các cấp và đơn giản nhất là ngừơi thụ hưởng ngân sách mà chũng ta ko chặt chẽ thì sẽ dẫn đến nguồn lực ko được sử dụng hiệu quả. Chúng tôi nhấn mạnh kỷ luật, kỷ cương phải được đặt lên hàng đầu.
Muốn thế thì phải công khai minh bạch từ việc thảo luận chính sách tại quốc hội, các hội đồng nhân dân phải công khai các dự án, các khoản đầu tư cho cách ngành các cấp, công khai các chế độ chính sách. Và cần hoàn thiện các quy định luật pháp để người dân có thể tiếp cận được. Trong điều kiện cách mạng công nghệ hiện nay hiện đại hoá ngành tài chính, áp dụng công nghệ thông tin làm sao để kết nối giám sát được qua hệ thống thông tin liên quan đến hoá đơn điện tử liên quan tới công khai nghĩa vụ nộp thuế và trách nhiệm của người nộp thuế và tôn vinh những người nộp thuế giỏi và chúng ta cũng phải xử lý các trường hợp trốn thuế, lậu thuế.
Phóng viên: Để Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm của mình, Quốc hội sẽ thông qua những luật nào trong năm tới về lĩnh vực tài chính, thưa Chủ nhiệm?
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải: Quốc hội đã thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trong đó có nhiều dự án Luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách: Thông qua dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra, tại Kỳ họp cuối năm 2018, Quốc hội cho ý kiến đối với một số Luật như Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Ở đây, tôi muốn dành thời gian để nói về hai luật quản lý thuế, và luật đầu tư công.
Luật quản lý thuế đã ra được 10 năm, ta đã sửa một lần, cũng đang có tác dụng rất tốt trong việc huy động nguồn lực, quản lý thuế một cách công khai minh bạch, hiệu quả. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải tiếp tục sửa luật theo hướng tăng cường trách nhiệm, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan thuế, của người nộp thuế. Bên cạnh đó, cũng cần đưa vào những nội dung hiện đại hoá quản lý thuế như vấn đề hoá đơn điện tử, quản lý các doanh nghiệp lớn, vấn đề chống chuyển giá, đồng thời tạo điều kiện để quản lý thuế hộ nhỏ, kế toán dễ dàng, minh bạch, dễ tiếp cận, tránh chế độ khoán không trúng. Khi huy động nguồn lực, kinh tế phát triển thì công tác quản lý thuế phải được càng ngày càng đi vào ổn định, công khai minh bạch.
Thứ hai, Luật đầu tư công liên quan tới việc sửa đổi một số điều. Vừa qua cũng phải thừa nhận rằng khi luật mới ra đời được ba năm đã có tác dụng tránh đầu tư dàn trải, sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực nhưng lại đặt ra nhiều thách thức. Quy trình thủ tục đầu tư cân đối, danh mục vốn, trách nhiệm của từng cấp như thế nào để đầu tư công phát huy hiệu quả. Tránh tình trạng như vừa qua, chúng ta muốn quản lý chặt chẽ nhưng có vốn lại không tiêu được do chưa thống nhất được danh mục hoặc chưa ban hành được danh mục, hay trách nhiệm phê duyệt của các cấp chưa rõ ràng, cho nên dù có vốn, thậm chí vốn vay nhưng lại không giải ngân được.
Trong kỳ họp Quốc hội tới, chúng tôi sẽ tiếp tục trình dự thảo sửa đổi một số điều Luật Đầu tư công. Đây là việc mà cơ quan chuẩn bị lẫn cơ quan thẩm tra đều phải hết sức tập trung. Cơ bản chúng tôi đã thống nhất được nhiều vấn đề nhưng vẫn còn những điểm khác biệt đưa ra quốc hội thảo luận.
Vấn đề hợp tác công tư cũng đặt ra cần phải có quy định để phối hợp chặt chẽ hơn giữa nguồn lực công và trách nhiệm xã hội. Hiện nay, Quốc hội đang tiến hành một số hoạt động giám sát để hoàn chính hệ thống văn bản pháp luật, như giảm sát đất đai trong lĩnh vực quản lý đô thị.
Sắp tới, cũng phải thực hiện giám sát các quỹ ngoài ngân sách. Mục tiêu là tập hợp được các nguồn lực ngân sách quốc gia trên cơ sở tạo quyền chủ động cho các đơn vị nhưng tránh tình trạng tản mạn. Rất nhiều quỹ đang tồn tại, thậm chí vài chục quỹ ở một địa phương, nhiều quỹ mục đích trùng lắp với nhiệm vụ chi ngân sách. Ngành nào, lĩnh vực nào cũng muốn duy trì một quỹ riêng để chủ động nhưng điều này đang làm yếu đi nguồn lực tập trung. Hơn nữa, dân phản ánh thu nộp quá nhiều, không biết quỹ nào vào quỹ nào. Chúng ta cần giám sát, hoàn thiện các văn bản để tập trung nguồn lực, quỹ nào cần thiết thì hoạt động, những quỹ nào chưa cần thiết cũng nên xem xét lại.
Phóng viên: Nhân dịp năm mới, Chủ nhiệm có ý kiến nào gửi tới các khán giả của Truyền hình Quốc hội Việt Nam cũng là cử tri cả nước?
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải: Bên cạnh giám sát của Quốc hội thì giám sát từ người dân, của các cơ quan báo chí, tổ chức xã hội là cơ chế bổ trợ không thể thiếu cho cơ chế giám sát ngân sách. Vì vậy, mong muốn các cử tri cả nước tăng cường giám sát, phản ánh những thông tin còn bất cập trong quản lý ngân sách. Ngân sách Quốc gia chỉ mạnh khi ngân sách của các địa phương, của doanh nghiệp và của người dân vững chắc, bền vững. Chi ngân sách chỉ hiệu quả nếu các cơ quan Nhà nước, mọi người biết tôn trọng và sử dụng hiệu quả từng đồng thuế của người dân.
Xin cám ơn cử tri cả nước! Xin chúc bà con sang năm mới vui vẻ, an khang, thịnh vượng!
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Nhân dịp đầu năm mới, thay mặt Ban Biên tập kính chúc Chủ nhiệm và toàn thể thành viên Uỷ ban sức khoẻ, thành công!