THẨM TRA BỔ SUNG VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

13/06/2020

Chiều 12/6, tại Hà Nội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức phiên họp để thẩm tra Tờ trình số 290/TTr-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, để khắc phục những ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân từ đại dịch Covid-19, trước những diễn biến mới phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 trên thế giới với những tác động sâu, rộng đến tình hình kinh tế - xã hội của nước ta, Chính phủ khẩn trương đề xuất các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch là rất cần thiết, đồng thời phù hợp với Kết luận số 77KL/TW ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị, nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy lợi thế phòng, chống dịch thành công của nước ta, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhất trí với các giải pháp điều hành, tiết kiệm chi như Chính phủ đề xuất

Về một số nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí việc Chính phủ điều hành, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020.

Về điều chỉnh các chỉ tiêu về NSNN, Chính phủ trình Quốc hội cho phép chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về NSNN cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, đề nghị quy định vào Nghị quyết 2 kịch bản tăng trưởng GDP với số liệu là 4,5% và 3,6%. Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, do các căn cứ tính toán tại thời điểm này còn chưa thể ước lượng, lường hết những biến động trong thời gian tới, vì vậy, đề nghị Quốc hội chưa xem xét, quyết nghị về số liệu cụ thể, mà nhất trí với các giải pháp điều hành, tiết kiệm chi như Chính phủ đề xuất và đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp tiết giảm chi NSNN. Chính phủ chủ động, linh hoạt trong điều hành NSNN, trường hợp hụt thu phải giảm chi tương ứng, các khoản chi cần thiết nhưng thiếu nguồn thì sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác. Trường hợp sau khi sử dụng tất cả các nguồn trên mà còn khó khăn thì đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí đề nghị cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và tiết kiệm thêm 10% chi  thường  xuyên khác còn lại của năm 2020; các địa phương chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng.

Đối với đề xuất cho phép chuyển nguồn sang năm 2020 khoản chi thường xuyên NSTW năm 2019 để bù hụt thu năm 2020 và cho các giải pháp cấp bách khác, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận, do đó, đề nghị thực hiện đúng quy định theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 44. Trường hợp cần thiết, để đảm bảo nguồn bù đắp bội chi và cân đối NSNN năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chung tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Về thời kỳ ổn định NSNN và định mức phân bổ dự toán chi NSNN, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, trong điều kiện tình hình kinh tế, cân đối NSNN có khả năng biến động lớn, nếu căn cứ vào các dự báo tại thời điểm hiện nay để xây dựng và ban hành hệ thống định mức phân bổ NSNN của năm 2021 và áp dụng cho cả giai đoạn 2021-2025 có thể dẫn tới rủi ro, khó khăn trong cân đối nguồn lực khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Do đó, nhất trí việc cho phép kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021 và lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi NSNN (gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư công) để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới.

Về điều chỉnh mức lương cơ sở, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công từ ngày 01/7/2020. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ làm rõ dự kiến sẽ điều chỉnh từ thời điểm nào.

Các giải pháp sẽ được thể hiện trong nghị quyết chung của Kỳ họp Quốc hội

Về các kiến nghị cụ thể khác, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, một số nội dung đã được Ủy ban Tài chính – Ngân sách và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, đang trình Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, đề nghị không quy định trong Nghị quyết của Quốc hội các nội dung: (1) Về dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; (2) Về ưu đãi thuế để thu hút đầu tư; (3) Về nội dung liên quan đến Luật xây dựng.

Về điều hành kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương (NSTW) năm 2020, Chính phủ đề nghị giao Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn NSTW năm 2020 đã được Quốc hội quyết định. Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cần giao Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn NSTW năm 2020 đã được Quốc hội quyết định. Chính phủ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc điều chỉnh này tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2021.

Một số ý kiến cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp hằng tháng và có thể họp đột xuất trong trường hợp cấp bách, không làm chậm trễ thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư công. Vì vậy, việc điều chỉnh nêu trên cần trình Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật Đầu tư công.

Về thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ đề xuất giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, áp dụng đến hết ngày 31/12/2020. Ủy ban Tài chish – Ngân sách cho rằng, nội dung này thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, đề nghị không quy định nội dung này trong Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời đề nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đúng quy định pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn do doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết các nội dung về lĩnh vực tài chính - ngân sách sẽ được tổng hợp vào nghị quyết chung của Kỳ họp này của Quốc hội./.

Bảo Yến

Các bài viết khác