ỦY BAN TÀI CHÍNH NGÂN SÁCH HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 25

24/05/2018

Chiều 24/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 25 thẩm tra chính thức Tờ trình của Chính phủ xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018-2020.

Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Phó Tổng kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng các thành viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách họp phiên toàn thể lần thứ 25

Tờ trình số 205/TTr-CP của Chính phủ về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018-2020 đề nghi Quốc hội xem xét, thảo luận, quyết định hai vấn đề. Đó là việc phân chia khoản thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2017 và việc xử lý nghĩa vụ của ngân sách nhà nước đối với quỹ bảo hiểm xã hội liên quan đến khoản đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995.

Kịp thời quyết định phân chia khoản thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2017

Về việc phân chia khoản thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2017, Tờ trình của Chính phủ nêu, Luật tài nguyên nước được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 có quy định: tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong 3 trường hợp: (i) Khai thác nước để phát điện có mục đích thương mại; (ii) khai thác nước để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp; (iii) khai thác nước dưới đất để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn.

Về bản chất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khác với thuế tài nguyên nước, phí và lệ phí cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đó là khoản thu của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu khi cho các chủ thể khác sử dụng tài sản của mình (tương tự như đối với khoáng sản, đất đai), qua đó nâng cao ý thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm công bằng trong việc sử dụng tài sản của Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trình bày Tờ trình số 205/TTr-CP của Chính phủ

Căn cứ quy định nêu trên của Luật Tài nguyên nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2017. Triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, trong 4 tháng cuối năm 2017, đã có phát sinh số thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước khoảng 50 tỷ đồng ở 14 địa phương, hiện chưa có hướng dẫn về việc phân chia nguồn thu này trong năm 2017.

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện phân chia nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước phát sinh 4 tháng cuối năm 2017 tương tự như nguyên tắc phân chia số thu phát sinh trong dự toán NSNN năm 2018 Quốc hội đã quyết định. Việc phân chia nguồn thu này theo nguyên tắc trường hợp giấy phép do cơ quan trung ương cấp thì phân chia 70% số thu cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương; giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp thì phân chia 100% cho ngân sách địa phương vừa là căn cứ pháp lý thực hiện phân chia số thu phát sinh trong năm 2017, vừa góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thu cân đối ngân sách các địa phương.

Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách Mai Hồng Hải phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu của thành viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách đều tán thành với đề nghị của Chính phủ và cho rằng việc quy định phân chia khoản thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2017 là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phân chia số thu phát sinh hàng năm, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ trình về tỷ lệ phân chia cụ thể giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đồng thời, đề nghị thời gian áp dụng tỷ lệ phân chia nguồn thu này cho cả thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020.

Xử lý dứt điểm khoản nợ của ngân sách nhà nước đối với Quỹ bảo hiểm xã hội

Về việc xử lý nghĩa vụ của ngân sách nhà nước đối với Quỹ bảo hiểm xã hội liên quan đến khoản đóng góp bảo hiểm xã hội cho người động làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995, Tờ trình của Chính phủ cho biết nghĩa vụ của NSNN đối với Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc liên quan đến khoản đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước năm 1995 được xác định là 22.090 tỷ đồng.

Trong dự toán NSNN năm 2016-2017 chưa bố trí để xử lý khoản nợ 22.090 tỷ đồng nêu trên. Lý do là hiện tại hằng năm Quỹ Bảo hiểm xã hội đều có kết dư; nếu NSNN bố trí chuyển 22.090 tỷ đồng vào Quỹ thì cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam sử dụng để đầu tư mua trái phiếu Chính phủ.

Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách Vũ Xuân Cường phát biểu tại phiên họp

Để xử lý dứt điểm vấn đề này, trên nguyên tắc đảm bảo trong phạm vi tổng mức vay của NSNN Quốc hội quyết định hằng năm và trần nợ công trong giới hạn quy định theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (trong đó: năm 2018 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỷ đồng) đối với khoản đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/ 01/1995 theo Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Về lãi phát sinh đối với khoản nợ Quỹ Bảo hiểm xã hội nêu trên từ ngày 01/01/2016, trình Quốc hội giao Chính phủ tính toán cụ thể gắn với lộ trình, mức lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ chính thức với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và sẽ được cộng dồn vào cuối kỳ (năm 2020) để thanh toán, hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Cho ý kiến về nội dung này, các thành viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng những năm qua cân đối NSNN khó khăn, chưa thực hiện chuyển kinh phí NSNN hàng năm vào Quỹ để đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật bảo hiểm xã hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm ảnh hưởng đến Quỹ bảo hiểm xã hội, đồng thời không phản ánh hết các khoản NSNN còn nợ, chưa tính đủ nợ công. Vì vậy, để xử lý dứt điểm vấn đề này, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu nhận nợ cũng như lộ trình phát hành trái phiếu Chính phủ nhằm bảo đảm minh bạch khoản nợ, góp phần an toàn Quỹ bảo hiểm xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp

Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần giải trình làm rõ việc phát hành trái phiếu Chính phủ ghi nợ có lộ trình 3 năm, bắt đầu từ năm 2018, nhưng thời điểm tính lãi lại từ 01/01/2016 có hợp lý không và cần quan tâm chú trọng trong điều hành cân đối NSNN, phải kiên quyết bảo đảm tổng mức vay NSNN được Quốc hội quyết hàng năm và trần nợ công trong giới hạn theo quy định.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp toàn thể của Ủy ban, khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 này; đồng thời đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ những vấn đề Ủy ban đã nêu để kịp thời báo cáo bổ sung trước Quốc hội, cung cấp đầy đủ thông tin trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018- 2020 ngay trong kỳ họp.

Bảo Yến